Hợp Thành: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn từ việc người dân tự kéo điện
– Trong thời gian qua, để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, một số hộ dân tại khu tái định cư Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại thôn Đại Sơn, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc đã tự kéo điện từ các khu dân cư khác về sử dụng. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cũng như ảnh hưởng đến mỹ quan khu dân cư.
Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi có mặt tại khu tái định cư Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại đây, có gần 20 cột đèn đường được người dân “tận dụng” làm cột để mắc dây điện từ các khu dân cư lân cận về sử dụng. Theo qua sát của phóng viên, mỗi cột đèn, có từ 10 đến 20 đường dây điện mắc vào thân cột và từ đây dây được kéo đến từng gia đình.
Ông Vy Văn Khiến, người dân tại đây cho biết: Gia đình tôi nằm trong danh sách các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Vì vậy, chúng tôi được di dời đến khu tái định cư này từ cuối năm 2017. Từ đó đến nay, hệ thống điện chưa đi vào hoạt động. Do nhu cầu sử dụng điện quá cấp thiết, chúng tôi phải tự bỏ chi phí để mua trang thiết bị, đăng ký với cơ quan điện lực để kéo dây điện sau công-tơ từ khu dân cư khác trong thôn về sử dụng. Do không có cột điện, tôi cũng như mọi người buộc phải dùng những cột đèn đường cao áp để mắc dây.
Để kéo điện người dân tại khu tái định cư Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải sử dụng cột dèn cao áp làm cột điện
Theo thông tin từ UBND xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, khu tái định cư trên do Ban Quản lý Khu tái định cư Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thuộc Sở Y tế làm chủ đầu tư. Hiện nay, tại đây có 19 hộ dân đang sinh sống, kinh doanh. Tuy nhiên, do hệ thống điện chưa hoàn thiện, toàn bộ các hộ phải kéo dây từ khu dân cư ven quốc lộ 1A (cùng thuộc thôn Đại Sơn) về để sử dụng.
Trao đổi với một số hộ dân, được biết, tùy vào vị trí mà mỗi hộ phải bỏ tiền mua từ 100 đến 300 m dây để kéo điện. Hộ nào kéo dây ngắn thì mất khoảng 3 triệu đồng, hộ kéo dây dài thì cần từ 8 đến 15 triệu đồng để hoàn thiện các bước lắp đặt. Đối với một số hộ trên mặt đường vào Bệnh viện Đa khoa, do nhu cầu kinh doanh, phải chi từ 20 đến 30 triệu đồng để kéo dây từ các đường điện 3 pha.
Hiện nay, do sử dụng điện tự dẫn sau công-tơ từ các khu dân cư lân cận nên vào giờ cao điểm, các hộ dân ở đây thường xuyên gặp tình trạng điện chập chờn do quá tải. Thậm chí vào một số thời điểm, các thiết bị điện của người dân còn không thể hoạt động do điện quá yếu. Bên cạnh đó, vì quá nhiều dây điện được mắc chung vào một cột đèn, nhiều người còn nơm nớp nỗi lo về an toàn.
Ông La Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết: Tình trạng người dân tự kéo điện đã diễn ra từ cuối năm 2017. Các đường dây điện bám vào cột đèn không chỉ gây mất mỹ quan khu dân cư mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xảy ra chập, cháy điện. Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2018, UBND xã đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp, ngành có thẩm quyền xem xét, đề nghị chủ đầu tư sớm hoàn thiện hệ thống điện để đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, UBND xã chưa nhận được câu trả lời cụ thể nào về thời hạn hoàn thành.
Tại Báo cáo số 510/BC-SYT ngày 23/7/2021 của Sở Y tế về việc báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao năm 2021, Sở Y tế đã trả lời về vấn đề này. Theo đó, đơn vị đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng, các nhà thầu thi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh để xem xét, đưa ra phương án giải quyết.
Đến nay, đơn vị thi công đã tiến hành lắp đặt các hạng mục: trạm biến áp; lắp đặt ống ruột gà đi ngầm sang đường, ống ruột gà đến 2 tủ phân phối điện. Tuy nhiên, đơn vị chưa thể đi dây cáp điện và chưa lắp tủ phân phối điện. Nguyên nhân đến từ việc đơn vị thiết kế (Trung tâm Tư vấn kiến trúc và Đầu tư xây dựng có địa chỉ tại Hà Nội) chưa hoàn thành điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán hạng mục hạ tầng khu tái định cư. Vì vậy, Sở Y tế đang tiếp tục đôn đốc các nhà thầu thực hiện khu tái định cư thôn Đại Sơn, xã Hợp Thành khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thực hiện cung cấp, lắp đặt hệ thống điện cho người dân.
Trong khi chờ hệ thống cấp điện hoàn thiện, gần 20 hộ dân trong khu tái định cư Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn đang tiếp tục phải sử dụng đường điện không ổn định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Do đó, các cấp, ngành cần có biện pháp yêu cầu đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành các hạng mục còn lại. Qua đó, đưa hệ thống điện vào sử dụng sớm nhất có thể, giúp giải quyết nhu cầu sử dụng điện của người dân cũng như hạn chế các sự cố không đáng có.
Ý kiến ()