Hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững
Nhằm xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ hàng hóa và nông đặc sản, thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khu vực phía Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực này; trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh luôn được xác định là thị trường tiềm năng cùng với hệ thống phân phối, bán lẻ rộng lớn.
Trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang không ngừng tổ chức nhiều chương trình kết nối cung cầu hàng hóa với các địa phương, đặc biệt là với các tỉnh thành khu vực phía Nam để tạo cơ hội cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà phân phối gặp gỡ, kết nối và trao đổi kinh nghiệm.
Thông qua các chương trình này, cộng đồng doanh nghiệp phía Nam nói riêng và cả nước nói chung đã được tạo điều kiện thuận lợi cũng như cơ hội thúc đẩy các hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh, phân phối và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng Hàng Việt”, Chương trình Hợp tác Xúc tiến Thương mại và Đầu tư giữa các Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư các tỉnh, thành phố phía Nam đã được ký kết; trong đó Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) làm Trưởng Ban điều phối.
Giai đoạn năm 2014 – 2016, chương trình đã triển khai gần 400 hoạt động xúc tiến nội địa; trong đó có thể kể đến Phiên chợ hàng Việt về các khu chế xuất – khu công nghiệp và vùng ngoại thành, nông thôn…
Chương trình vừa đáp ứng nhu cầu quảng bá sản phẩm, mở rộng kênh phân phối tại khu vực nông thôn; vừa giúp doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng và khảo sát thị trường. Từ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra những chiến lược củng cố và tăng cường uy tín của hàng Việt trên thị trường nội địa.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên cơ sở những thỏa thuận hợp tác phát triển ngành công thương; chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư giai đoạn 2017 – 2020 giữa thành phố và các tỉnh thành khu vực phía Nam, Tp. Hồ Chí Minh sẽ phát huy vai trò là cầu nối thương mại, đầu tư; đồng thời kết nối doanh nghiệp các địa phương trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng tiêu thụ hàng hóa và nông đặc sản.
Bên cạnh đó, Tp. Hồ Chí Minh luôn tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp các địa phương đầu tư, kinh doanh trên địa bàn thành phố, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư ở các địa phương.
Theo thỏa thuận hợp tác phát triển ngành công thương giai đoạn 2017 – 2020 giữa tỉnh Gia Lai và Tp. Hồ Chí Minh, hai bên tăng cường phối hợp thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; trong đó ưu tiên hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm… đưa vào hệ thống phân phối, nhà bán lẻ tại thành phố.
Ông Bùi Khắc Quang, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết, quy hoạch đến năm 2025, tỉnh Gia Lai có 1.000 ha đất, tập tập trung tại các huyện như An Khê, Phú Thiện, Azun Pa, Kpang… để sản xuất các loại rau an toàn với sản lượng có thể đạt lên đến 49.300 tấn. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch dần sang hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông lâm nghiệp, đã hình thành và phát triển mạnh mẽ một số vùng sản xuất tập trung nông sản lớn.
Hiện tại, tỉnh Gia Lai đang có khoảng 10.000 ha đất sản xuất các loại cây ăn quả cho năng suất cao như xoài, bơ, chanh leo, trái chuối mốc… Những loại cây ăn quả này vừa có tiềm năng thị trường rất lớn, vừa có lợi thế trong việc sản xuất chế biến các sản phẩm rất phù hợp cung cấp cho thị trường Tp. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cũng đẩy mạnh quy hoạch phát triển đàn bò với hơn 950.000 con; trong đó, đàn bò thịt chất lượng cao dự kiến sẽ đạt gần 300.000 con, sản lượng thịt hơi đạt gần 135.000 tấn.
Đồng thời, để phục vụ cho nhu cầu xúc tiến nông sản, đẩy mạnh giao thương, tỉnh Gia Lai sẽ xây dựng một chợ đầu mối gia súc chuyên kinh doanh bò. Gia Lai mong muốn Tp. Hồ Chí Minh tạo điều kiện phân phối và tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh như rau an toàn, trái cây, thịt gia súc…
Tương tự, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An đã trở thành địa phương đầu tiên của khu vực phía Nam ký kết với Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh trong phối hợp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các chuỗi cung ứng nông sản giai đoạn 2017 – 2020.
Việc ký kết này, được kỳ vọng sẽ từng bước giúp tỉnh Long An nâng cao thị phần, tăng sản lượng hàng hóa và nông đặc sản đạt chất lượng cũng như đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh. Từ đó, tạo sự liên kết giữa các đơn vị sản xuất của tỉnh Long An với hệ thống phân phối ở Tp. Hồ Chí Minh, thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết, tỉnh này đã đặt mục tiêu đến năm 2020, phần lớn hàng hóa và nông đặc sản chủ lực của Long An tiêu thụ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh sẽ được kiểm soát về an toàn thực phẩm theo chuỗi.
Đồng thời, tỉnh Long An sẽ tích cực tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn của Tp. Hồ Chí Minh để cung ứng thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.
Về định hướng lâu dài, PGS. TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, cho biết, trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục ký kết với nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam để đảm bảo hàng hóa thực phẩm cung cấp, phân phối và bán buôn trên địa bàn thành phố đạt chất chất lượng và sản lượng.
Ngoài việc kiểm soát từ gốc thông qua khuyến khích nông dân sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap… thì các sở, ngành sẽ tăng cường tuyên truyền, kêu gọi họ tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn sẽ góp phần cải thiện quy trình sản xuất theo hướng hiện đại như đóng gói, ghi tem nhãn… /.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()