Hợp tác xã với thương hiệu gạo ngon
Niềm vui lớn nhất của Chủ nhiệm Võ Văn Giáp là đã góp công sức, trí tuệ xây dựng hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Diễn Liên, xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu (Nghệ An) phát triển gắn với thương hiệu gạo ngon nổi tiếng: giống lúa AC5.
Niềm vui lớn nhất của Chủ nhiệm Võ Văn Giáp là đã góp công sức, trí tuệ xây dựng hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Diễn Liên, xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu (Nghệ An) phát triển gắn với thương hiệu gạo ngon nổi tiếng: giống lúa AC5.
Năng động trong điều hành
Sau hơn mười năm phục vụ trong Quân đội và được kết nạp Ðảng, tháng 9-1989, anh Võ Văn Giáp phục viên về quê với quân hàm Thượng úy. Với bản chất Bộ đội cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, anh Võ Văn Giáp gương mẫu đi đầu trong mọi mặt công tác, được Ðảng bộ và nhân dân bầu làm Bí thư chi bộ, Xã đội trưởng, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Diễn Liên.
Diễn Liên là xã thuần nông, cây lúa được coi là cây trồng chính với diện tích 430 ha. Trên cương vị là Chủ nhiệm HTX, hằng ngày, đồng chí Võ Văn Giáp vừa bám trụ sở điều hành công việc chuyên môn vừa tham mưu cho Ðảng ủy, UBND xã lập đề án chuyển đổi kinh tế, dồn điền đổi thửa, bố trí mùa vụ cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa để tăng thu nhập cho người lao động. Ðồng thời kiện toàn củng cố Ban quản lý HTX, Ban chỉ huy tám đội sản xuất theo hướng tinh gọn hiệu quả. Nếu trước đây, mất mùa thì đổ tại thiên tai, sâu bệnh, được mùa thì tranh nhau lấy thành tích, nay xã và HTX không còn “khoán trắng” mà mùa vụ nào cũng tổ chức tập huấn quy trình thâm canh, cách nuôi cá ao, cá ruộng, gieo trồng giống mới, phòng trừ dịch hại tổng hợp đến từng đội sản xuất, từng hộ gia đình. Hộ nghèo, neo người, thiếu lao động, Ban quản lý HTX và các đoàn thể cử người đến hỗ trợ ngày công, làm đất đổ ải, chăm sóc lúa, cho ứng trước vật tư phân bón đến mùa thu hoạch mới trả. Xã và HTX làm tốt công tác khuyến nông, thực hiện các chính sách của tỉnh và huyện như trợ giá túi ni-lông, thuốc diệt cỏ, các loại giống cây trồng vụ đông, xây dựng mô hình cánh đồng thu nhập cao, kéo điện ra đồng để làm kinh tế trang trại. Ðối với 30 ha ao, đầm, ruộng trũng thì đấu thầu cho dân nuôi trồng thủy sản, làm VAC.
Năng động trong chỉ đạo điều hành, Chủ nhiệm Võ Văn Giáp đảm nhận trách nhiệm trước UBND xã về xây dựng đường giao thông từ làng ra đồng, bê-tông hóa kênh mương thủy lợi, cung ứng điện thắp sáng đến từng cơ quan, trường học và 100% số hộ trong xã.
Liên kết tiêu thụ sản phẩm
Sự bứt phá nông nghiệp, gắn với chuyển đổi kinh tế ở xã thuần nông Diễn Liên đã làm thay đổi cung cách làm ăn của bà con nông dân nơi đây. Từ hai vụ lúa bấp bênh phụ thuộc vào thời tiết, nay bà con thâm canh mỗi năm ba vụ ăn chắc, trong đó có hai vụ lúa chiêm xuân và hè thu, còn vụ đông thì trồng ngô, khoai trên nền đất ướt, hoặc để lúa tái sinh nuôi cá vụ ba. Bám sát lịch thời vụ xuống đồng của huyện, ứng dụng thành công các tiến bộ khoa học – kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi, anh Giáp mạnh dạn đưa các loại giống lúa năng suất cao vào trồng khảo nghiệm như AC5, Thiên nguyên ưu 16, Bắc thơm số 7, Khải Phong số I, mỗi vụ từ 20 đến 35 ha. Khi thấy chắc ăn, được bà con nông dân và thị trường chấp nhận, Chủ nhiệm Giáp chỉ đạo hướng dẫn bà con nông dân đồng loạt mở rộng diện tích thâm canh các loại giống lúa chất lượng cao nói trên. Trong đó, vụ xuân cấy 270 ha giống lúa AC5, diện tích còn lại cấy các giống lúa Khải Phong số I, Nhị ưu 986. Vụ hè thu chủ yếu cấy các giống lúa Thiên nguyên ưu 16, Bắc thơm số 7, Việt lai 20, trong đó giống Thiên nguyên ưu 16 cấy 200 ha. Hai giống lúa AC5 và Thiên nguyên ưu 16 hạt gạo thơm ngon, bán được giá, tỷ lệ thành công sau khi xay xát đạt 70 kg gạo/100 kg thóc khô. Riêng gạo AC5 bán giá cao gấp rưỡi giá gạo thường.
Do gieo trồng kịp thời vụ, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên lúa ở Diễn Liên tốt đồng đều, cho năng suất cao (lúa lai đạt bình quân 70 tạ, lúa AC5 và Thiên nguyên ưu 16 đạt từ 62 đến 65 tạ/ha, ngô vụ đông đạt 50 tạ/ha), đưa tổng sản lượng lương thực toàn xã đạt 6.500 tấn/năm, trong đó có 3.500 tấn thóc chất lượng cao. Bà con có điều kiện phát triển chăn nuôi, đưa tổng đàn gia súc lên 8.000 con, gia cầm 13 nghìn con. Anh Giáp mạnh dạn quay vòng hạt thóc bằng cách liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hòa (có trụ sở ở xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) để ký hợp đồng kinh tế thu mua thóc AC5 của HTX. Bình quân mỗi vụ, công ty này mua từ 180 đến 200 tấn thóc AC5. Số thóc còn lại được thương lái trong vùng đến mua với giá 8.000 đồng/kg để xay xát thành gạo ngon đem bán. Bà con nông dân rất phấn khởi bởi được mùa, được giá và có nơi tiêu thụ sản phẩm ngay sau khi thu hoạch. Giống gạo AC5 của HTX cũng đã trở thành thương hiệu gạo ngon được cả tỉnh, cả huyện biết đến.
Hơn 20 năm gắn bó với phong trào nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở một xã vùng chiêm trũng, năm nào đảng viên Võ Văn Giáp cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bầu là Chủ nhiệm HTX giỏi, người cựu chiến binh gương mẫu, đưa HTX Diễn Liên từ “đội sổ” trở thành vững mạnh toàn diện, tự chủ được kinh tế, có vốn và tài sản cố định hàng tỷ đồng, làm tốt công tác dịch vụ điện nước, vật tư phân bón, thóc giống cho bà con nông dân. Trụ sở làm việc của HTX được nâng cấp làm mới khang trang. Ðội ngũ cán bộ Ban quản lý HTX gồm bảy người đều có trình độ trung cấp nông nghiệp, được trả lương hằng tháng theo quy định của tỉnh và huyện. Nhờ những đóng góp tích cực của Chủ nhiệm Võ Văn Giáp, bảy năm qua mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng Diễn Liên vẫn được mùa, thu nhập bình quân của người dân nơi đây từ 18 đến 20 triệu đồng người/năm. Hơn 60% số hộ giàu và khá, thu nhập từ 65 đến 120 triệu đồng hộ/năm. Hộ nghèo chỉ còn 8%. Toàn xã đã xây dựng được hai vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, với diện tích 300 ha, vùng màu chuyên canh và nuôi trồng thủy sản rộng 150 ha. Cả xã có 135 mô hình sản xuất, kinh doanh và làm VAC giỏi, thu nhập từ 80 đến 120 triệu đồng hộ/năm.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()