Hợp tác xã Sản xuất nông lâm thương mại tổng hợp Trấn Ninh: Năng động để phát triển
(LSO) – Với những giải pháp cụ thể trong phát triển sản xuất, kinh doanh, Hợp tác xã Sản xuất nông lâm thương mại tổng hợp Trấn Ninh (HTX Trấn Ninh), huyện Văn Quan đã và đang có bước chuyển tích cực, rõ nét. Doanh thu của HTX ngày càng tăng, số thành viên HTX tăng trên 300%.
HTX Trấn Ninh được thành lập từ năm 2007, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi lợn, gia cầm, trồng khoai tây và cung ứng dịch vụ nông nghiệp. Ông Hoàng Lê Hoan, Giám đốc HTX cho biết: Những năm đầu đi vào hoạt động, HTX gặp nhiều khó khăn như: thiếu vốn, trụ sở làm việc, trình độ của ban quản trị chưa đáp ứng được yêu cầu… Cùng với đó, Ban Giám đốc HTX chưa nhận thức đúng về bản chất HTX khi thực hiện theo Luật HTX… Nhận thức được những khó khăn, hạn chế, Ban quản trị HTX đã từng bước khắc phục.
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh cùng các thành viên HTX Trấn Ninh tham quan diện tích trồng lúa Nhật chuẩn bị cho thu hoạch
Cụ thể, về cơ cấu tổ chức, HTX bầu và kiện toàn Hội đồng quản trị gồm 7 thành viên, trong đó, ban giám đốc gồm 3 người. Để nâng cao trình độ quản lý của HTX, Hội đồng quản trị cử thành viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ do Liên minh HTX, các sở, ngành của tỉnh, huyện tổ chức. Không chỉ vậy, HTX còn tổ chức đoàn đi thăm quan các mô hình tổ chức, quản lý HTX hoạt động hiệu quả ở các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên để học hỏi kinh nghiệm, áp dụng vào hoạt động của HTX.
Cùng với đó, ngoài huy động nguồn vốn từ các thành viên, HTX còn huy động vốn từ mua hàng hóa bên ngoài (khi mua giống, phân bón cho sản xuất, HTX được các đại lý áp dụng chế độ trả chậm). Hiện nay, vốn huy động trong thành viên đạt 300 triệu đồng, vốn huy động từ mua hàng hóa bên ngoài đạt trên 350 triệu đồng. Qua đó tạo điều kiện về vốn để thúc đẩy hoạt động của HTX.
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, mở rộng các dịch vụ sản xuất kinh doanh. Theo đó, HTX không chỉ chăn nuôi gia cầm, lợn, dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, từ năm 2016 đến nay, HTX mở rộng thêm các dịch vụ nông nghiệp khác như: dịch vụ làm giao thông, thủy lợi nội đồng; dịch vụ bảo vệ lúa và hoa màu, lấy nước; dịch vụ làm đất…
Đặc biệt, từ năm 2017, HTX phát triển trồng lúa chất lượng cao TBJ3 (lúa Nhật) – đây là giống lúa có năng suất cao hơn lúa truyền thống từ 1,5 đến 1,7 tấn/ha, giá trị đạt khoảng 11 nghìn đồng/kg thóc, cao gần gấp đôi so với giá lúa truyền thống.
Ông Bế Văn Nghĩa, Phó Giám đốc HTX cho biết: Từ khi vào HTX, tôi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó, tôi áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 lần so với trước đây. Cùng với đó, tôi được HTX bao tiêu sản phẩm nông nghiệp như: dưa hấu, khoai tây, lúa, do vậy, không có tình trạng bị ế thừa hoặc bị tư thương ép giá như trước đây. Bên cạnh đó, vụ mùa năm 2018, gia đình tôi trồng 5 sào lúa Nhật – giống lúa mới cho giá trị kinh tế cao, dự kiến sản lượng sẽ đạt trên 1,2 tấn. Với giá thu mua như hiện nay sẽ đem lại thu nhập trên 13 triệu đồng.
Với những giải pháp phù hợp, hoạt động của HTX được duy trì và phát triển, số lượng thành viên tham gia HTX ngày càng đông. Từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 95 người tham gia vào HTX, nâng tổng số thành viên HTX lên 131 người; diện tích trồng lúa Nhật tăng từ 1,7 ha (năm 2017) lên 37 ha (năm 2018); tổng doanh thu đạt trên 3,1 tỷ đồng (cả năm 2017, doanh thu đạt 1,4 tỷ).
Theo Giám đốc HTX Trấn Ninh, thời gian tới, để hoạt động của HTX đạt hiệu quả hơn nữa, HTX tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thành viên thực hiện tốt mô hình trồng lúa Nhật; thành lập tổ lao động chuyên hoạt động dịch vụ thủy lợi; tổ chức cung ứng dịch vụ cho thành viên và nông dân trong vùng nhằm hỗ trợ, duy trì các hoạt động có chất lượng về sản xuất và chăn nuôi tại gia đình.
DUY PHÁT
Ý kiến ()