Hợp tác xã phi nông nghiệp: Vượt khó vươn lên
- Những năm gần đây, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng các hợp tác xã (HTX) phi nông nghiệp trên địa bàn đã không ngừng nỗ lực, phát huy nội lực để vươn lên phát triển.
Theo số liệu của Liên minh HTX tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 125 HTX phi nông nghiệp với tổng số trên 1.500 thành viên thuộc các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, thương mại - dịch vụ, xây dựng, chiếm khoảng 28% số HTX đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Những năm gần đây, thiên tai, dịch bệnh COVID-19 cũng như suy thoái kinh tế, thị trường tiêu thụ sản phẩm, việc làm ngày một ít... đã gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp, HTX nói chung , trong đó có HTX phi nông nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn đó, nhiều HTX phi nông nghiệp đã nỗ lực triển khai các phương án hoạt động, từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển.
Ông Nguyễn Đức Bẩy, Giám đốc HTX Thống Nhất, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: HTX được thành lập năm 1998 với ngành nghề chính là xây dựng cơ bản. Những năm gần đây, tình hình hoạt động của HTX đối diện với nhiều khó khăn.Trước thực tế đó, một mặt đơn vị huy động nguồn nội lực của thành viên HTX để đầu tư trang thiết bị, máy móc, thu hút thợ có tay nghề cao về làm việc tại HTX, mặt khác, HTX cũng mở rộng thêm ngành nghề sửa chữa máy móc, thiết bị để vừa phục vụ hoạt động xây dựng, vừa tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, những năm gần đây, HTX tạo việc làm cho khoảng 100 lao động với thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, HTX Như Ý, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn cũng không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Bà Bùi Như Ý, Giám đốc HTX cho biết: HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực mua, bán thuốc lá nguyên liệu. Mô hình này đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư ban đầu cho người dân sản xuất. Để có nguồn vốn, một mặt HTX huy động từ các thành viên, mặt khác HTX đã chủ động tìm hiểu và vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cũng như ngân hàng thương mại. Có được nguồn vốn ổn định, HTX đã liên kết đầu tư sản xuất, kinh doanh thuốc lá nguyên liệu ở 3 xã trên địa bàn huyện Bắc Sơn với diện tích 333 ha, mỗi năm đơn vị tiêu thụ cho người dân khoảng 600 tấn thuốc lá. Hoạt động ổn định, HTX tạo việc làm ổn định cho 8 thành viên với mức thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng.
Cùng với 2 HTX phi nông nghiệp kể trên, những năm gần đây, nhiều HTX phi nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực, cố gắng phát huy nội lực, vượt qua khó khăn. Trong đó, các HTX đã chủ động huy động thêm nguồn lực để mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh, trọng tâm là đầu tư, nâng cấp máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chế biến sản phẩm để giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm; ứng dụng chuyển đổi số từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm...
Bên cạnh sự chủ động của các HTX, trong những năm qua, các cấp, ngành liên quan đã đồng hành, hỗ trợ các HTX phi nông nghiệp. Ông Liễu Xuân Du, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Hằng năm, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 10-15 lớp tập huấn cho đại diện các HTX, trong đó có các HTX phi nông nghiệp với các nội dung liên quan đến xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; nâng cao nghiệp vụ quản lý, kế toán HTX; hướng dẫn các bước tiếp cận chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển HTX... Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức gặp mặt, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các HTX thuộc từng lĩnh vực cụ thể; hỗ trợ các HTX phi nông nghiệp tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn về vốn cho các HTX, Liên minh HTX đã hỗ trợ 8 HTX phi nông nghiệp vay vốn ưu đãi từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX với số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Với sự chủ động, nhạy bén trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX và sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan, nhiều HTX phi nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, qua đó đảm bảo doanh thu bình quân đạt 1,5-4 tỷ đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động đạt 4-8 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song thực tế hoạt động của các HTX phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế như quy mô nhỏ, nguồn vốn đầu tư còn ít, khả năng cạnh tranh bên ngoài thị trường còn yếu...Trước thực tế đó, bên cạnh sự chủ động của các HTX, hiện nay, các cấp, ngành liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp để đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các HTX nhằm giúp các HTX phi nông nghiệp tiếp tục có những bước phát triển mạnh hơn, ổn định hơn.
Ý kiến ()