Hợp tác xã phi nông nghiệp: Nỗ lực vượt khó
– Trong những năm qua, mặc dù chịu tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh, sự cạnh tranh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong cùng lĩnh vực, song nhiều hợp tác xã (HTX) phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực, nhạy bén trong hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước vượt qua khó khăn, phát triển ổn định.
Theo số liệu của Liên minh HTX tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 123 HTX phi nông nghiệp đăng ký hoạt động, chiếm hơn 25% tổng số HTX đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tổng số thành viên trong các HTX lĩnh vực này là 1.285 người, vốn điều lệ là 323 tỷ đồng. Các ngành nghề đăng ký kinh doanh chủ yếu là xây dựng, vận tải, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Người lao động trong HTX Thống Nhất, huyện Chi Lăng thi công đường giao thông tại xã Y Tịch
Số HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp chưa nhiều, song hiệu quả hoạt động của các HTX trong lĩnh vực này lại cao và ổn định hơn các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như thiên tai diễn biến phức tạp, địa bàn hoạt động, thị trường tiêu thụ thu hẹp…dẫn tới hoạt động của các HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trước bối cảnh đó, nhiều HTX trong lĩnh vực này đã tìm nhiều giải pháp khắc phục khó khăn để nhanh chóng ổn định sản xuất. HTX Thống Nhất, huyện Chi Lăng là một ví dụ.
Ông Nguyễn Đức Bẩy, Giám đốc HTX Thống Nhất cho biết: HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng và sửa chữa ô tô. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như cạnh tranh với một số đơn vị trong cùng lĩnh vực khiến hoạt động của HTX có thời điểm bị gián đoạn. Trước thực tế đó, một mặt, HTX chủ động đầu tư, nâng cấp trang thiết bị máy móc; tuyển chọn kỹ sư, công nhân có tay nghề cao để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mặt khác, HTX chủ động tìm kiếm, mở rộng địa bàn hoạt động… Qua đó, từ đầu năm 2022 đến nay, HTX hoạt động ổn định trở lại và tạo việc làm cho 50 lao động với thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/người/tháng. Hoạt động từng bước ổn định, qua 9 tháng đầu năm 2022, HTX đã nộp ngân sách trên 200 triệu đồng.
Tương tự HTX Thống Nhất, dịch COVID-19 đã tác động đến hoạt động của nhiều HTX trên địa bàn tỉnh, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến các HTX trong lĩnh vực vận tải. Ông Ngô Văn Long, Giám đốc HTX Vận tải An Bình, huyện Cao Lộc cho biết: HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bốc dỡ và vận chuyển hàng hóa. Trước khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đơn vị có 30 xe vận chuyển hàng hóa và 2 máy cẩu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng hàng hóa giảm nhiều nên HTX còn 10 đầu xe. Để khắc phục khó khăn, HTX đã chủ động sửa chữa, nâng cao chất lượng xe; điều chỉnh nhân lực để tiết giảm chi phí cho mỗi chuyến hàng; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để tìm thêm công việc cho người lao động…Mặc dù khó khăn như vậy song HTX vẫn nỗ lực duy trì hoạt động và tạo việc làm cho 20 lao động với lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với 2 HTX kể trên, nhiều HTX phi nông nghiệp đã chủ động, linh hoạt triển khai các biện pháp như: tranh thủ thời gian tạm ngừng hoạt động để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ tốt hơn trong hoạt động; phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát huy nội lực để vừa duy trì hoạt động sản xuất, đồng thời, mở rộng thêm một số ngành nghề sản xuất kinh doanh…
Bên cạnh sự nỗ lực của các HTX, các cấp, ngành liên quan cũng có những giải pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX phi nông nghiệp từng bước vượt qua khó khăn. Ông Bế Mạnh Quân, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Hằng năm, đơn vị tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn cho các HTX nói chung, trong đó có các HTX phi nông nghiệp; hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi… Qua 9 tháng đầu năm 2022, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 31 hội nghị tuyên truyền, 4 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế tập thể, HTX; hỗ trợ 3 HTX phi nông nghiệp vay vốn từ Quỹ hỗ trợ HTX…
Cùng với Liên minh HTX, các cấp, ngành liên quan cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn, đất đai, thị trường tiêu thụ… cho HTX. Qua đó, nhiều HTX phi nông nghiệp đã khắc phục khó khăn, từng bước ổn định sản xuất kinh doanh sau đại dịch. Doanh thu bình quân của các HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp đạt từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/HTX, thu nhập của thành viên và người lao động đạt từ 3,5-10 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù kết quả không bằng so với những năm trước đại dịch song đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó của các HTX phi nông nghiệp trên địa bàn. Từ đó, tạo động lực để các HTX trong lĩnh vực này có sự phục hồi mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế tập thể chung trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()