Hợp tác xã Nông trang sinh thái Mẫu Sơn: Chú trọng phát triển sản phẩm OCOP
– Thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Nông trang sinh thái Mẫu Sơn, thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình đã chú trọng xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho thành viên HTX.
HTX Nông trang sinh thái Mẫu Sơn được thành lập từ tháng 2/2020 với 16 thành viên, các sản phẩm của HTX chủ yếu là chanh rừng, mật ong rừng, rượu men lá. Ông Hoàng Phúc Thắng, Giám đốc HTX Nông trang sinh thái Mẫu Sơn cho biết: Ngay khi thành lập, HTX đã chú trọng thực hiện các tiêu chí như: đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhãn mác, câu chuyện của sản phẩm… Nhận thức rõ một trong những yêu cầu khi tham gia chương trình OCOP là sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, do vậy, HTX đã chủ động trồng và chăm sóc chanh rừng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Thành viên HTX chế biến ô mai chanh rừng
Theo đó, để sản xuất chanh theo tiêu chuẩn VietGAP, năm 2020, HTX đã phối hợp với Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn từng thành viên trong HTX sản xuất theo đúng kỹ thuật. Đến nay, diện tích chanh VietGAP của HTX là 11,5 ha.
Bà Đặng Thị Múi, thành viên HTX Nông trang sinh thái Mẫu Sơn cho biết: Từ khi tham gia HTX, tôi được tập huấn, hướng dẫn trồng và chăm sóc chanh theo tiểu chuẩn VietGAP, tôi thường xuyên ghi sổ nhật ký quá trình chăm sóc để theo dõi hằng ngày. Hiện nay, gia đình tôi có 100 cây chanh rừng. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi xuất bán trên 2 tấn chanh tươi, đem lại thu nhập trên 30 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình còn sản xuất rượu men lá, chăn nuôi lợn, chế biến cao dược liệu, sau khi trừ chi phí, tổng thu nhập trên 120 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, để phát triển các sản phẩm OCOP, từ quả chanh rừng HTX đã chế biến để đa dạng hóa sản phẩm như: ô mai chanh rừng, siro chanh rừng, chanh ngậm mật ong, chanh muối. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX tập trung xây dựng nhãn mác, bao bì để đáp ứng thị hiếu của thị trường. Đến này, toàn bộ các sản phẩm của HTX đều có mẫu mã, bao bì riêng.
Cùng với sự nỗ lực của HTX, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng hỗ trợ tư vấn về thủ tục làm hồ sơ, đồng thời, trong năm 2021, đơn vị hỗ trợ trên 50 triệu đồng cho HTX để thiết kế lô gô, túi hộp đựng, in bao bì nhãn mác, quảng bá sản phẩm…
Nhờ đó, tháng 12/2020, HTX đã có sản phẩm chanh rừng Mẫu Sơn đạt 3 sao; đến tháng 3/2022, có sản phẩm ô mai chanh rừng đạt 4 sao. Giám đốc HTX Nông trang sinh thái Mẫu Sơn cho biết thêm: Từ khi các sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, giá cả ổn định, thị trường được mở rộng tiêu thụ trong và ngoài nước. Cụ thể, đã tiêu thụ tại thị trường các tỉnh, thành: Bắc Ninh, Hà Nội và sang Trung Quốc…
Riêng trong năm 2021, sản lượng chanh rừng tươi của HTX đạt trên 10 tấn, tiêu thụ được 4.000 hộp ô mai chanh rừng, 200 hộp siro chanh rừng, 200 lọ chanh ngâm mật ong và 150 lọ chanh muối…, doanh thu đạt trên 400 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2020.
Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: Hiện nay, huyện có 6 sản phẩm OCOP, trong đó, riêng HTX Nông trang sinh thái Mẫu Sơn đã có 2 sản phẩm và trở thành HTX tiêu biểu trong xây dựng sản phẩm OCOP của huyện. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao thương hiệu các đặc sản của địa phương. Để tiếp tục hỗ trợ HTX phát triển, thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng các đơn vị liên quan đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm tại các hội nghị, hội chợ trong và ngoài tỉnh.
Trong thời gian tới, HTX tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng sao sản phẩm OCOP. Đồng thời, HTX đầu tư một số máy móc như: máy sấy, máy tách hạt… để phục vụ việc chế biến sản phẩm từ chanh rừng. Cùng với đó, HTX sẽ liên kết với người dân về việc thực hiện và chăm sóc chanh theo tiêu chuẩn VietGAP và bao tiêu sản phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Ý kiến ()