Hợp tác xã nông nghiệp: Liên kết để phát triển
(LSO) – Thực tế, tại Lạng Sơn, liên kết sản xuất giữa các HTX là hướng đi không mới, thế nhưng nó chỉ thực sự đạt hiệu quả và phát triển mạnh từ 2 năm trở lại đây.
Mới đi vào hoạt động năm 2018, tài sản lớn nhất của HTX Đại Phúc, xã Việt Yên, huyện Văn Quan là lực lượng lao động và đất canh tác. Ông Nông Văn Thiên, Giám đốc HTX cho biết: Muốn HTX hoạt động hiệu quả, tất nhiên, các thành viên không thể tiếp tục sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ như trước. HTX cần tìm hướng sản xuất mới với cây trồng hiệu quả, sản xuất hàng hóa. Nhưng HTX lại không có nhiều vốn, không có kinh nghiệm, không kỹ thuật và không có cả thị trường.
Mô hình liên kết chế biến gỗ ở HTX Hòa Thuận, huyện Bắc Sơn
Những cái “không” đó của HTX Đại Phúc thì HTX Hợp Thịnh, huyện Cao Lộc lại có. Nhưng HTX Hợp Thịnh lại thiếu đất canh tác và lao động. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả, 2 HTX đã liên kết với nhau. Cụ thể, năm 2018, HTX Đại Phúc đã trồng được 1,7 ha nghệ đen. Trong đó, HTX Hợp Thịnh hỗ trợ cây giống, vật tư, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Thành viên HTX Đại Phúc bỏ công chăm sóc trên diện tích đất canh tác của mình. Nói về hiệu quả, ông Nông Văn Thiên cho biết: Trước đây, diện tích đất chủ yếu trồng ngô, tính ra mỗi sào được 1,4-1,6 triệu đồng/vụ. Nhưng với cây nghệ đen thì khác, Bà Lý Bích Linh, Giám đốc HTX Hợp Thịnh cho biết: Theo tính toán dựa trên thực tế thu hoạch ở một số nơi, trung bình mỗi sào nghệ đen cho năng suất 1,5-1,8 tấn/sào, HTX Hợp Thịnh hợp đồng thu mua với giá thấp nhất từ 7.000 đồng/kg. Nhẩm tính, mỗi sào nghệ đen thu về trên dưới 10 triệu đồng, trừ chi phí vẫn cao hơn khá nhiều so với trồng ngô trên cùng diện tích.
Ngoài HTX Đại Phúc, HTX Hợp Thịnh còn liên kết với hơn hơn 20 HTX và tổ hợp tác ở 8 huyện, thành phố. Trong đó có những mô hình liên kết đã đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình liên kết trồng cây hoàn ngọc ở xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc cho năng suất 2,1-2,4 tấn/sào/năm với giá thu mua 4.000 đồng/kg; mô hình trồng cà gai leo ở xã Tân Liên, huyện Cao Lộc; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với HTX nông sản sạch Tràng Định; mô hình liên kết chăn nuôi với HTX Nà Pái – Giao Thủy, xã Tân Văn, huyện Bình Gia…
Thu hoạch trứng gà ở HTX Thịnh Phương, thành phố Lạng Sơn
Bên cạnh liên kết giữa các HTX trong tỉnh, nhiều HTX khác trên địa bàn cũng đã liên kết với các HTX ngoài tỉnh để có hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như HTX Lê Hồng Phong, huyện Bắc Sơn liên kết với HTX ở các tỉnh: Bắc Giang, Hưng Yên. Nổi bật trong liên kết chính là ứng dụng khoa học kỹ thuật của HTX tỉnh bạn trong chăn nuôi cá, sử dụng chế phẩm sinh học, thu mua ốc bươu vàng tại cơ sở để chế biến thức ăn chăn nuôi, qua đó giảm được chi phí trong chăn nuôi, tạo thêm việc làm cho người lao động. Từ HTX có quy mô nhỏ, thu không đủ bù chi, đến nay doanh thu trung bình của HTX đạt gần 2 tỷ đồng/năm.
Những năm gần đây, nhiều HTX trên địa bàn, đặc biệt là các HTX trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đã có liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 100 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó có tới trên 50 HTX có liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm với các HTX, tổ hợp tác hoặc với doanh nghiệp. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm chủ lực tại 7 HTX ở các huyện: Văn Quan, Lộc Bình, Hữu Lũng, Chi Lăng.
Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX cho biết: Phần lớn HTX trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ nên việc liên kết sản xuất là bước ngoặt quan trọng để HTX có thể tương hỗ, giúp đỡ nhau cùng vươn lên. Bên cạnh sự chủ động của các HTX, Liên minh HTX tỉnh cũng tổ chức các lớp tập huấn về phương án kinh doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn.
TÂN AN
Ý kiến ()