Hợp tác xã Hải Hà Lạng Sơn: Từng bước xây dựng thương hiệu rượu truyền thống
- Thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Hải Hà Lạng Sơn, thôn Bản Dù, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng đã chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại để sản xuất rượu men lá. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng rượu truyền thống, mục tiêu đưa sản phẩm trở thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Rượu men lá là sản phẩm truyền thống của người dân tộc Nùng xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng. Tuy nhiên, trước đây các hộ chỉ sản xuất nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu riêng. Năm 2023, HTX Hải Hà được thành lập với 7 thành viên, mục đích là liên kết các hộ có truyền thống nấu rượu để sản xuất và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rượu men lá của người dân tộc Nùng nơi đây.
Ông Ngô Quang Hải, Giám đốc HTX cho biết: Trong sản xuất rượu truyền thống, nguồn nước và bánh men quyết định 80% chất lượng rượu. Do đó, tôi lựa chọn xây dựng nhà xưởng với diện tích trên 500m2 trên đỉnh núi Khau Sùng (đỉnh núi cao nhất xã Vân Thủy), thôn Bản Dù, xã vân Thủy - nơi có nguồn nước mạch tinh khiết, mát lành. Ngoài ra, gạo để nấu rượu được HTX lựa chọn là gạo bao thai ngon, đảm bảo chất lượng. Đối với bánh men, HTX tự sản xuất men lá theo phương pháp truyền thống làm từ khoảng 15 cây thảo dược được người dân hái trên rừng.
Bên cạnh đó, để nâng chất lượng rượu truyền thống, hướng đến mục tiêu xây dựng sản phẩm OCOP, HTX chú trọng đầu tư, sản xuất rượu theo phương pháp cổ truyền kết hợp với áp dụng công nghệ hiện đại. Theo đó, HTX đã đầu tư hệ thống máy móc trị giá gần 1 tỷ đồng gồm: tủ nấu cơm; máy khử độc tố Andehit, Methanol; máy lão hóa… Đặc biệt, HTX sử dụng phương pháp chưng cất rượu truyền thống, đun bằng củi. Theo ông Hải, nấu rượu bằng nồi thủ công năng suất mỗi mẻ thấp hơn so với nấu bằng điện nhưng chất lượng rượu sẽ thơm, ngon hơn. Hiện nay, trung bình mỗi ngày HTX nấu khoảng 2 tạ gạo. Rượu sau khi chưng cất sẽ được cho vào máy khử độc tố Andehit và máy lão hóa, sau đó đem ủ 36 tháng mới bắt đầu xuất bán.
Để xây dựng được thương hiệu trên thị trường, phấn đấu đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, HTX còn chú trọng đầu tư thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm. Hiện nay, HTX đăng ký thương hiệu cho sản phẩm là “rượu men lá Tình Nùng”, sản phẩm được đóng chai, có đầy đủ tem nhãn, truy xuất nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hiện sản phẩm rượu men lá của HTX được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành và có gần 20 đại lý trong cả nước. Trung bình mỗi tháng, HTX tiêu thụ gần 10.000 lít rượu. Năm 2023, doanh thu của HTX đạt trên 1 tỷ đồng.
Bà Vy Thị Ninh, thôn Bản Dù, xã Vân Thủy, thành viên HTX cho biết: Trước đây, gia đình tôi cũng như các hộ dân khác trong thôn chỉ nấu rượu men lá vào các dịp lễ, tết để phục vụ nhu cầu của gia đình. Từ khi HTX Hải Hà Lạng Sơn được thành lập, tôi tham gia là thành viên làm việc tại HTX. Hằng ngày, tôi thực hiện các công việc như làm men, ủ cơm, chưng cất rượu. Hằng tháng, thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng.
Ông Linh Đức Tiến, Chủ tịch UBND xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng cho biết: HTX Hải Hà Lạng Sơn là HTX tiêu biểu trong sản xuất rượu men lá truyền thống. Năm 2024, xã lựa chọn sản phẩm rượu men lá của HTX tham gia chương trình OCOP và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ. Thông qua đó, góp phần giúp HTX tiếp tục bảo tồn, phát triển hơn nữa sản phẩm rượu truyền thống của người dân tộc Nùng xã Vân Thủy.
Được biết, thời gian tới, HTX Hải Hà Lạng Sơn sẽ tiếp tục đầu tư tháp chưng cất rượu đa tầng công nghệ châu Âu để mở rộng quy mô sản xuất, cung cấp sản phẩm ra thị trường với số lượng lớn hơn. Cùng với đó, HTX tiếp tục thực hiện các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm rượu men lá đến các cửa hàng, đại lý để mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo chỗ đứng ổn định cho sản phẩm trên thị trường.
Ý kiến ()