Hợp tác xã Dịch vụ Nông, lâm nghiệp Tân Thành: Phát triển nuôi ong mật theo hướng VietGAP
- Với lợi thế diện tích đồi rừng lớn, những năm qua, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông, lâm nghiệp Tân Thành, xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn đã phát triển hiệu quả nghề nuôi ong lấy mật. Đặc biệt từ đầu năm 2024, HTX xã đã phát triển chăn nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là mô hình nuôi ong VietGAP đầu tiên được triển khai trên địa bàn huyện.
Ông Dương Hữu Lợi, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông, lâm nghiệp Tân Thành cho biết: Nhận thấy diện tích đồi rừng trên địa bàn xã lớn, đa dạng các loại hoa rừng, năm 2021, các hộ nuôi ong trên địa bàn xã đã thành lập HTX Dịch vụ Nông, lâm nghiệp Tân Thành với 6 thành viên hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nuôi ong lấy mật với tổng số 200 đàn.
Để giúp HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu, đầu năm 2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã quan tâm hỗ trợ các thành viên HTX phát triển nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với Công ty Cổ phần Khoa học AGRI-CERT (chi nhánh tại Hà Nội) tập huấn cho các thành viên kỹ thuật chăm sóc đàn ong theo tiêu chuẩn VietGAP. Cụ thể, đơn vị đã tổ chức tập huấn, giám sát, hướng dẫn các thành viên HTX ghi chép hồ sơ theo dõi, nhật ký sản xuất hằng ngày, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch sản phẩm mật ong an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng; cách xây dựng, sắp xếp phần cứng phù hợp theo yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP (kho thuốc, kho chứa thức ăn, hồ sát trùng, khu để đồ bảo hộ lao động...). Cùng với đó, đơn vị thực hiện lấy mẫu thức ăn, nước uống, mật ong, đánh giá hiện trường sản xuất... để tiến hành kiểm nghiệm mức độ an toàn của sản phẩm.
Thông qua tập huấn, hướng dẫn, các thành viên nuôi ong mật của HTX đã thực hiện chọn địa điểm đặt thùng ong tại khu vực sạch, thoáng, cách xa đường quốc lộ, khu vực chăn nuôi gia súc, tránh khói bụi và ô nhiễm môi trường; xây dựng kho để thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hóa chất riêng biệt và tiến hành khai thác mật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, theo đúng quy trình...
Ông Đàm Văn Liên, thành viên HTX cho biết: Thực hiện theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y về nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAP, đàn ong phát triển khỏe, tăng đàn nhanh, chất lượng mật thơm ngon, đảm bảo. Hiện gia đình tôi có gần 400 đàn ong (tăng 100 đàn so với năm ngoái), sản lượng mật ong trung bình đạt khoảng 3.000 lít/năm, đem lại cho gia đình thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm.
Hiện nay, các thành viên của HTX đều áp dụng hiệu quả kỹ thuật chăm sóc, phát triển đàn ong mật theo hướng VietGAP. Tổng đàn ong hiện có của HTX là 500 đàn, sản lượng mật ong trung bình một năm đạt khoảng 4.200 lít. Với giá bán từ 180.000 đến 300.000 đồng/ lít mật, trung bình một năm, HTX có doanh thu trên 800 triệu đồng.
Ông Phạm Bá Hạnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Hiện nay, HTX Dịch vụ Nông, lâm nghiệp Tân Thành là HTX duy nhất trên địa bàn đã áp dụng hiệu quả chăn nuôi ong mật theo hướng VietGAP. Kỹ thuật này góp phần nâng chất lượng của mật ong, từ đó nâng cao giá trị, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tăng thu nhập cho các hộ dân nuôi ong mật. Bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX cũng đã chủ động tham gia xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Nhờ nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng sản phẩm mật ong của HTX ngày càng được nâng cao, thị trường được mở rộng. Hiện nay, HTX đã xây dựng được 1 đại lý tiêu thụ sản phẩm tại thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang). Theo kế hoạch, đến năm 2025, HTX sẽ tiếp tục phát triển nuôi ong mật theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng 1.000 đàn ong.
Ý kiến ()