Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghiệp Phong Vân: Cải tiến để nâng cao chất lượng cây giống
– Những năm qua, nhờ chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông lâm nghiệp Phong Vân, thôn Khe Mạ, xã Đình Lập, huyện Đình Lập đã từng bước nâng cao chất lượng cây giống lâm nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho các thành viên.
Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2015, HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Phong Vân có 7 thành viên, hoạt động chính trong lĩnh vực phát triển ươm cây giống lâm nghiệp với diện tích ban đầu khoảng 1 ha gồm: keo, bạch đàn, thông.
Thành viên HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Phong Vân chăm sóc vườn ươm cây giống
Ông Hoàng Văn Phong, Giám đốc HTX cho biết: HTX được thành lập dựa trên cơ sở các thành viên đều là các hộ dân đã có mô hình ươm giống cây lâm nghiệp riêng lẻ từ trước. Tuy nhiên, thời điểm đó, các hộ sản xuất nhỏ lẻ, chưa áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nên hiệu quả không cao. Trước thực tế đó, HTX được thành lập nhằm liên kết các hộ dân sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng cây giống để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đến nay, các thành viên HTX đã mở rộng diện tích vườn ươm lên 2,7 ha.
Để gieo ươm cây giống đảm bảo chất lượng, các thành viên HTX đã họp bàn và thống nhất quy trình kỹ thuật trong sản xuất. Theo đó, HTX ưu tiên lựa chọn các loại giống đã qua kiểm nghiệm nên tỷ lệ hạt nảy mầm cao, cây con sinh trưởng phát triển tốt. Đặc biệt, HTX đã áp dụng nhiều biện pháp cải tiến để nâng cao chất lượng cây giống như: áp dụng quy trình làm đất, xử lý đất, lựa chọn đất vào bầu ươm theo đúng kỹ thuật, bón phân bằng phân bón hữu cơ, sử dụng túi bầu tự hủy nhằm bảo vệ môi trường…
Cùng đó, HTX xây dựng hệ thống nhà điều hành, quản lý, nhà kho và nhà ở cho công nhân. Ngoài ra, HTX mua sắm các trang thiết bị như: máy nghiền đất, máy xúc lật, xe ô tô tải… góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc. Nhờ đó, diện tích vườn ươm và thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng.
Bên cạnh sự chủ động của các thành viên, HTX còn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành trên địa bàn huyện. Năm 2021, HTX được Nhà nước hỗ trợ 8 tấn phân bón để đảm bảo bón phân đầy đủ, định kỳ cho cây giống. Các thành viên HTX cũng thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật ươm và chăm sóc cây giống để áp dụng vào thực tế sản xuất.
Bà Hoàng Thanh Vân, thành viên HTX cho biết: Tham gia HTX, tôi được dự các lớp tập huấn, được hướng dẫn các quy trình kỹ thuật trong quá trình thực hiện ươm cây giống lâm nghiệp. Cùng đó, gia đình còn được hỗ trợ hơn 1 tấn phân bón để phát triển sản xuất cây giống. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, gia đình tôi ươm và xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh trên 200.000 cây giống (chủ yếu thông) đem lại thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
Hiện nay, nhiều diện tích cây giống của HTX đã đến thời kỳ xuất bán. Từ đầu năm 2022 đến nay, HTX đã xuất bán được hơn 500.000 cây thông với giá 1.000 đồng/cây. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm, HTX sản xuất từ 2 đến 2,5 triệu cây giống phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh như: Quảng Ninh, Sơn La… Doanh thu mỗi năm của HTX đạt từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng (tăng hơn 500 triệu đồng so với năm 2015), đem lại nguồn thu nhập cho các thành viên HTX từ 150 đến 200 triệu đồng/thành viên/năm. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.
Bà Nông Thị Yến Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập cho biết: Thời gian qua, HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Phong Vân đã tận dụng lợi thế về nguồn đất đai sẵn có và các điều kiện tự nhiên để phát triển ươm cây giống lâm nghiệp. Nhờ chú trọng cải tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao chất lượng cây giống phục vụ cho trồng rừng trên địa bàn huyện và các tỉnh lân cận. Đây là một trong những HTX hoạt động có hiệu quả và tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn
Ý kiến ()