Hợp tác xã Đan Hoài (Hà Nội): Thành công ban đầu từ nghiên cứu và sản xuất lan Hồ Điệp
Được thành lập từ năm 2004, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Hợp tác xã (HTX) Đan Hoài có lợi thế nằm ven sông Hồng với đất đai màu mỡ phì nhiêu, nguồn nước dồi dào, hệ thống giao thông thuận tiện.
(Ảnh: PV)
Nhận thấy thị trường hoa cao cấp còn rất mới, vì vậy, HTX đã quyết định đầu tư vào sản xuất hoa cao cấp tại Hà Nội. Sau thời gian tìm hiểu, HTX đã hợp tác với các đơn vị khoa học hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp trong nước: Viện nghiên cứu Rau quả, Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Nghiên cứu Miền núi phía Bắc để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoa lan Hồ Điệp. Đây là loại hoa lan có vẻ đẹp độc đáo, màu sắc đa dạng và bền lâu.
Từ năm 2006 đến năm 2009, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học Công nghệ (KHCN) Hà Tây (nay là Hà Nội), HTX Đan Hoài đã triển khai Dự án “Nghiên cứu tổ chức sản xuất và tiêu thụ hoa ứng dụng công nghệ cao bước đầu hình thành ngành sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ) và xây dựng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao theo quy mô công nghiệp tại Đan Phượng – Hà Nội”. Sau khi triển khai dự án, cơ sở vật chất và năng lực khoa học công nghệ sản xuất hoa chất lượng cao, nhất là hoa lan Hồ Điệp đã được nâng cao đáng kể. HTX đã làm chủ được quy trình trồng, chăm sóc và xử lý ra hoa hàng loạt đối với lan Hồ Điệp trong nhà kính và hoa Lily trên đồng ruộng; đã có hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại có thể chủ động sản xuất theo quy mô và phương thức công nghiệp đối với lan Hồ Điệp đạt chất lượng cao.
Những thành công bước đầu cũng đã giúp HTX Đan Hoài trở thành một mô hình sản xuất hoa cao cấp tại Thủ đô, với doanh thu 4-5 tỷ đồng/ha/năm. Đơn cử, về công nghệ nhà lưới, HTX đã có thể tư vấn, thiết kế, thi công các loại nhà lưới, nhà kính phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa bàn, từng đối tượng. Không những thế, HTX còn xây dựng được thương hiệu riêng “ Flora Việt Nam” được Cục sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu và bảo hộ độc quyền.
Hàng năm, HTX đã giới thịệu và chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân, các đơn vị trong và ngoài thành phố Hà Nội, đưa ra thị trường hàng chục vạn cây giống và cây hoa lan Hồ Điệp với chất lượng cao, có độ bền hơn nhiều hoa nhập khẩu. Hoa có độ bền từ 45-60 ngày kể từ thời điểm khi nở bông đầu tiên và đảm bảo các nụ trên cây đều được nở hết.
Có thể thấy, KHCN là chìa khóa, là động lực cho gia tăng giá trị của các ngành kinh tế, nhất là những lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ cao như lĩnh vực sản xuất hoa công nghệ cao đối với các loại hoa có giá trị như: hoa lan Hồ Điệp… Song, ứng dụng KHCN cũng cần thận trọng nghiên cứu để thành công. Từ kinh nghiệm của HTX Đan Hoài, để dự án chuyển giao KHCN thành công, mang lại hiệu quả thì việc lựa chọn công nghệ và cơ quan chuyển giao đóng vai trò rất quan trọng. Công nghệ được chuyển giao phải trực tiếp gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị nhận chuyển giao (nhu cầu thực tế) và phải giải quyết được những nút thắt còn vướng mắc của đơn vị tiếp nhận thì công nghệ mới đi vào hoạt động có hiệu quả và thực chất. Công nghệ phải phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị hiện tại và có thể nâng cấp được trong tương lai. Vốn đầu tư cho công nghệ là một vấn đề quan trọng với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ, các HTX. Tuy nhiên, yêu cầu về nguồn lực vận hành và bảo trì cho công nghệ trong tương lai cũng đóng một vai trò quan trọng khi dự án kết thúc.
Ngoài ra, cơ quan chuyển giao công nghệ phải huấn luyện cho đơn vị tiếp nhận đội ngũ kỹ thuật viên thật nhuần nhuyễn về các kỹ năng để khi dự án kết thúc, họ có thể chủ vận hành được công nghệ.
Để thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới, nhất là đối với nông nghiệp Thủ đô nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành nông sản, đảm bảo nông sản trong nước, trong đó có các loại hoa chất lượng cao có thể đứng vững và cạnh tranh được với nông sản của các nước phát triển trên thế giới và trong khu vực, HTX Đan Hoài kiến nghị: Cần tăng cường hơn nữa chính sách xã hội hóa hoạt động khoa học công nghệ nhằm tranh thủ các nguồn lực xã hội cùng với ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; trong đó, phải thực sự coi trọng vai trò của các doanh nghiệp trong hoạt động khoa học công nghệ.
Cùng với việc hỗ trợ nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong nước, cần có chính sách hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp tiếp thu công nghệ của các tác giả nước ngoài nếu những tiến bộ kỹ thuật đó mới hơn, hiệu quả hơn.
Hoa, cây cảnh chất lượng cao là những sản phẩm đòi hỏi nhiều hàm lượng khoa học và công nghệ, tuy nhiên, phần lớn các đối tượng tham gia sản xuất sản phẩm này lại là các doanh nghiệp nhỏ, HTX hoặc nông hộ rất hạn chế về nguồn lực. Do vậy, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong thời gian tới.
Riêng đối với sản xuất hoa lan Hồ Điệp, kỹ thuật xử lý ra hoa phải có giai đoạn xuân hóa (xử lý cây trong môi trường nhiệt độ thấp để cây có thể phân hóa được mầm hoa) trong khi điều kiện khí hậu Hà Nội rất khó cho việc hạ nhiệt độ vào các tháng hè, thu để cây ra hoa như mong muốn. Công nghệ này khá phức tạp và chi phí cao nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để giúp các cơ sở sản xuất hoa lan có thể làm chủ được công nghệ này.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()