Hợp tác xã Chế biến lâm sản 1 – 5: Tận dụng lợi thế để vươn lên
– Trong những năm qua, nhờ sự năng động, nắm bắt được thị trường, Hợp tác xã (HTX) Chế biến lâm sản 1 – 5, (thôn Bản Trại, xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định) đã tận dụng lợi thế về nguồn gỗ nguyên liệu dồi dào trên địa bàn, đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất bóc gỗ, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Nhận thấy diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện lớn, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ gỗ rất cao, tháng 1/2006, ông Nguyễn Xuân Phúc (thôn Bản Trại, xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định) đã vận động một số hộ trong khu vực thành lập HTX Chế biến lâm sản 1-5 với 10 hộ thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng. Xưởng chế biến gỗ của HTX được xây dựng với diện tích 600 m2. Khi mới thành lập, mỗi ngày, HTX thu mua, chế biến khoảng 3 m3 gỗ bóc, gỗ xẻ. Nhờ đó, tạo việc làm cho từ 7 đến 10 lao động với thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng (năm 2006).
Giám đốc HTX Chế biến lâm sản 1-5 kiểm tra máy móc chế biến gỗ
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Giám đốc HTX cho biết: Nhận thấy lợi thế về nguyên liệu của huyện còn lớn, xưởng sản xuất của HTX vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ gỗ của người dân, vì vậy, với mong muốn nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2015, HTX xây dựng kế hoạch đầu tư thêm 2 máy xẻ, 1 máy bóc với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Qua quá trình hoạt động, do đạt hiệu quả cao, năm 2020, HTX đã được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh quan tâm, hỗ trợ 800 triệu đồng để xây nhà xưởng, nhà kho từ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các HTX. Nhờ đó, công suất chế biến gỗ của HTX ngày càng tăng. Đến nay, năng suất trung bình mỗi năm của HTX sản xuất đạt trên 1.200 m3 gỗ các loại.
Nhờ HTX phân tích đúng tình hình, tận dụng tốt tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn và đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh đúng hướng, doanh thu của HTX không ngừng tăng. Từ 10 thành viên ban đầu, đến nay, HTX đã có 16 thành viên, vốn điều lệ tăng từ 500 triệu đồng lên 1,5 tỷ đồng. Năm 2020, doanh thu của HTX đạt trên 2,5 tỷ đồng, tăng 1 tỷ đồng so với năm 2019. Trong quá trình sản xuất, HTX tạo việc làm thời vụ cho hơn 20 lao động địa phương với thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Anh Ma Minh Hoàng, thành viên HTX cho biết: Trước đây, tôi làm ruộng, thu nhập thấp, sau khi tham gia HTX, tôi đã có việc làm, thu nhập ổn định, được HTX nộp bảo hiểm. Hiện nay, thu nhập của tôi đạt từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Kháng Chiến cho biết: Xưởng sản xuất, chế biến gỗ của HTX Chế biến lâm sản 1 – 5 hoạt động hiệu quả đã tạo điều kiện cho người dân tiêu thụ sản phẩm từ rừng. Hiện toàn xã có trên 2.000 ha rừng, trong đó, chủ yếu là keo, bạch đàn, toàn bộ diện tích rừng khai thác của người dân có HTX thu mua, giúp họ yên tâm trồng rừng.
Được biết, sản phẩm gỗ xẻ của HTX không chỉ cung ứng ở thị trường trong tỉnh mà còn tiêu thụ tại một số tỉnh phía Bắc. Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục liên kết với các hộ trồng rừng trên địa bàn xã Kháng Chiến cùng một số xã lân cận. Qua đó, đảm bảo đầy đủ nguồn nguyên liệu, phát huy tối đa công suất sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động hơn, đồng thời, nâng cao thu nhập cho các thành viên, người lao động. Cùng với thúc đẩy liên kết tiêu thụ, HTX tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tận dụng các sàn thương mại điện tử để có thể mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Ý kiến ()