Hợp tác xã chăn nuôi lợn: Lao đao vì bệnh dịch tả lợn châu Phi
(LSO) – Bệnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều hợp tác xã (HTX) chăn nuôi, có HTX mất trắng, lâm vào cảnh nợ nần.
HTX Mu Hom, huyện Tràng Định được thành lập từ tháng 4/2017 với hoạt động chính là chăn nuôi lợn rừng lai. Để đi vào hoạt động, HTX đã đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng chuồng trại, bãi chăn thả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 5/2019, toàn bộ gần 600 con lợn nái, lợn thịt của HTX đã phải tiêu hủy, trị giá trên 4 tỷ đồng. Anh Lương Thanh Tuấn, Giám đốc HTX cho biết: Trong tổng số 4 tỷ đồng thiệt hại, một nửa số tiền do các thành viên HTX phải vay ngân hàng. Chính vì vậy, khi bị tiêu hủy toàn bộ số lợn, các thành viên hết sức lo lắng khi hạ tầng được đầu tư đồng bộ thì bỏ hoang, nợ ngân hàng vẫn phải gồng gánh. Trước mắt, HTX chưa dám nghĩ đến việc chăn nuôi lợn mà đang có hướng phát triển thêm một số loại hình chăn nuôi, trồng trọt khác để lấy ngắn nuôi dài, từng bước tháo gỡ khó khăn để tiếp tục duy trì hoạt động của HTX.
Phun tiêu độc khử trùng phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng
Chưa phát hiện dịch bệnh, không bị tiêu hủy toàn bộ lợn như HTX Mu Hom, thế nhưng HTX Hợp Thịnh, huyện Cao Lộc cũng đang “sống dở chết dở” do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bà Lý Bích Linh, Giám đốc HTX cho biết: Hoạt động chính của HTX là chăn nuôi lợn nái, cung ứng lợn giống cho thị trường. Tuy nhiên, do dịch bệnh như vậy, người dân không tái đàn nên lợn giống cũng chẳng bán được cho ai. Hiện tại, HTX đang tồn gần 3.000 con lợn giống, trị giá gần 4 tỷ đồng.
Để bảo vệ số lợn giống này, HTX đã phải thuê chuồng trại ở địa bàn tỉnh khác (khu vực chưa có dịch) để chăn nuôi thành lợn thịt. Như vậy, HTX không những không thu được tiền từ bán lợn giống mà còn mất thêm tiền thuê chuồng trại, đầu tư chăn nuôi lợn thịt, trong khi việc nuôi đàn lợn thịt này cũng như “canh bạc” liều lĩnh, nếu xảy ra dịch bệnh thì HTX mất trắng. Không chỉ lo giải quyết lợn giống, HTX cũng đau đầu với số lợn nái. Cụ thể, đến nay, HTX còn 400 con lợn nái và thời gian tới, HTX sẽ loại tiếp những con lợn nái già để giảm tổng đàn nái xuống còn khoảng 200 con. Nguồn thu không có, mỗi ngày, HTX vẫn phải bỏ ra trên 30 triệu đồng tiền cám để chăn nuôi đàn lợn.
Không thiệt hại nặng nề như 2 HTX kể trên, thế nhưng HTX Dịch vụ chăn nuôi Thu Hiền, huyện Văn Quan cũng không phát triển chăn nuôi lợn được nữa. Bà Đổng Thu Hiền, Giám đốc HTX cho biết: Thời kỳ cao điểm, HTX có trên 20 con lợn nái và gần 700 con lợn thịt. Tuy nhiên đến nay, số lượng chỉ còn vài con. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hiện tại, HTX chuyển hướng sang cung ứng giống cũng như thức ăn gà, vịt.
Cùng với 3 HTX chăn nuôi lợn có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh kể trên, các HTX chăn nuôi khác trên địa bàn tỉnh cũng đang lao đao vì bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hiện trên địa bàn tỉnh có 16 HTX chăn nuôi tổng hợp, trong đó có nuôi lợn. Do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, hầu hết lợn của các HTX đã phải tiêu hủy. Để khắc phục tình trạng đó, hiện nay, các HTX đang chuyển đổi sang một số mô hình khác, trong đó, phần lớn là chăn nuôi gia cầm, trồng trọt…
Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Liên minh HTX tỉnh đã nắm bắt tình hình dịch bệnh của các HTX chăn nuôi. Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho HTX chăn nuôi lợn, đối với các HTX có vay vốn tại Quỹ hỗ trợ phát triển HTX sẽ được giãn nợ, tạo điều kiện cho các HTX có điều kiện khôi phục sản xuất.
Tuy nhiên, những thiệt hại mà bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra cho các HTX chăn nuôi là rất lớn, chính vì vậy, bên cạnh sự chủ động của các HTX thì rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước để các HTX có thêm điều kiện chuyển đổi mô hình sản xuất.
Ngày 27/6/2019, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, hỗ trợ người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi (gọi chung là cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi với mức cụ thể như sau: đối với lợn con, lợn thịt các loại hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi; đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi. |
TÂN AN
Ý kiến ()