Hợp tác xã cần phát triển để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp
Chiều 19/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục có chuyến khảo sát về tình hình sản xuất, kinh doanh tại một số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
|
Đ/c Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc với xã Hiển Khánh. (Ảnh:TH) |
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi khảo sát các mô hình HTX của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong phạm vi cả nước nhằm kiến nghị lên Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ những giải pháp phát triển HTX trong tương lai, xác định mô h ình HTX nông nghiệp kiểu mới để hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp, góp phần vào sự chuyển biến của sản xuất nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.
Khảo sát tại HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Cốc Thành, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản được biết, HTX có gần 1.100 hộ thành viên với gần 3.000 lao động . Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Bùi Văn Quý cho biết ,b à con xã viên đã đồng tình góp vốn mỗi hộ 1,5 triệu đồng để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh . T rong 5 năm (2009 – 2014), tổng doanh thu của HTX là gần 10 tỷ đồng, lãi gần 1 tỷ đồng. Ngoài cung ứng các dịch vụ nông nghiệp, HTX đã chủ động xin xã tham gia cung ứng dịch vụ nước sạch, thu gom rác thải, thể hiện sự năng động của ban quản lý… HTX cũng có liên kết với một số HTX ở Thái Bình trong hoạt động xây kho lạnh bảo quản khoai tây giống để cung ứng đủ giống cho bà con. HTX tham gia nhiều hoạt động, như: làm đường giao thông (từ tiền lãi của HTX và đóng góp của bà con), kiên cố hóa kênh mương, nhà máy nước sạch… đồng thời, tham gia cung ứng 9 loại dịch vụ cho bà con nông dân, từ bảo vệ thực vật, thủy nông, cung ứng vật tư – giống cây trồng,…
Tại HTX cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản, ông Triệu Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Vạn Xuân Trường cho biết, HTX có tiền thân là câu lạc bộ các trang trại, gia trại trong xã. Giai đoạn 2012 – 2013, ngành chăn nuôi thua lỗ, giá thực phẩm chỉ bằng 60 – 80% giá thành, hầu hết trang trại làm ăn thua lỗ, chỉ còn 2 hộ nuôi gà trắng buộc phải hoạt động cầm chừng chờ giá vì đã trót đầu tư quá lớn (2 tỷ đồng/hộ). Trước tình hình đó, tháng 11/2014, câu lạc bộ các trang trại, gia trại trong xã quyết định thành lập HTX để liên kết làm ăn. Theo đó, HTX đã kết hợp với ngân hàng bảo lãnh để các trang trại vay vốn làm ăn, tìm hiểu thị trường qua đó nâng quy mô chăn nuôi. HTX đã ký hợp đồng với các xí nghiệp để cung ứng vật tư ổn định cho các hộ gia đình từ phân bón, cám, gà giống, xin hỗ trợ 8 máy nghiền thức ăn từ chi cục nông thôn… để hỗ trợ nông dân. Đặc biệt, để giải quyết cho xã viên thiếu vốn, HTX đã dùng vốn của HTX và vốn của một số xã viên cho những hộ khó khăn vay để mua giống và vật tư. Nhờ sử dụng dịch vụ của HTX nên chi phí sản xuất của các trang trại giảm từ 5 – 10% so với không có HTX. Ngoài ra, các xã viên được tư vấn về kỹ thuật nuôi. Nhờ thế số người xin vào HTX nhiều hơn, và nhờ làm ăn có lãi nên HTX có kinh phí để hỗ trợ sản xuất cho bà con.
Qua khảo sát thực tế và báo cáo của UBND tỉnh Nam Định cho thấy, năm 2014, 40% HTX ở Nam Định được đánh giá là hoạt động khá, 43% trung bình, 17% yếu kém. Điểm nổi lên là rất ít HTX thực hiện việc góp vốn của các xã viên. Dịch vụ của nhiều HTX yếu, hiệu quả thấp, chưa hỗ trợ nhiều cho phát triển kinh tế hộ xã viên. Phần lớn HTX nông nghiệp vẫn còn tư tưởng chủ yếu hoạt động dịch vụ thu tiền theo đầu sào, chưa năng động triển khai các dịch vụ theo cơ chế thị trường và là đầu mối để liên kết doanh nghiệp với hộ nông dân sản xuất và chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi. Nhiều HTX muốn mở rộng làm ăn nhưng khó vay vốn. Bộ máy quản lý HTX yếu về năng lực, chưa đủ lòng tin với xã viên…
Từ thực tế này, các HTX kiến nghị sớm ban hành Nghị định về HTX nông nghiệp, trong đó ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các HTX nông nghiệp. Chính phủ có chính sách hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình điểm về phát triển kinh tế hợp tác. Xây dựng hệ thống sản xuất thực phẩm theo chuỗi, trong đó có vai trò đặc biệt của Nhà nước và doanh nghiệp, HTX là đầu mối, là mắt xích để ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Đặc biệt cần tạo điều kiện cho HTX vay vốn để sản xuất.
|
Đ/c Nguyễn Thiện Nhân khảo sát mô hình nuôi gà lông trắng |
Phát biểu sau buổi khảo sát, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, có m ột thực tế nổi lên mà các HTX vẫn bế tắc đầu ra nông sản cho bà con nông dân, chủ yếu là từng hộ tự tiêu thụ ra thị trường. Trên 90% HTX không coi tiêu thụ sản phẩm cho nông dân là nhiệm vụ của mình… Để khắc phục tình trạng này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phải đổi mới mô hình HTX để làm sao, HTX trở thành “bà đỡ” cho nông dân trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường, cung ứng vật tư, nguyên liệu.. “Đa số HTX hiện nay chưa lo được đầu ra cho bà con. HTX mà không lo đầu ra cho nông dân thì là HTX yếu kém”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, mục tiêu của HTX không chỉ là lợi nhuận. HTX làm dịch vụ tốt cũng rất cần thiết, nhưng mấu chốt vẫn phải là việc tìm kiếm, lo thị trường tiêu thụ cho bà con. HTX cần phát triển để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Muốn vậy phải dự báo được thị trường, chọn được sản phẩm thị trường cần để định hướng cho nông dân. Cùng với đó, cung cấp được các dịch vụ đầu vào tốt, giá rẻ cho người dân để người dân gắn với HTX. Quan trọng nhất của HTX phải liên kết để giảm chi phí, tăng chất lượng đầu vào đầu ra, tạo liên kết để tiếp thị hàng hóa hiệu quả hơn…
Theo Dangcongsan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()