Hợp tác xã bị hạn chế khi tiếp cận chính sách đối phó COVID-19
Đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến khu vực kinh tế hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã thuộc lĩnh vực du lịch, vận tải và một vài sản phẩm nông nghiệp như thanh long.
Diễn đàn: “Thực trạng tiếp cận chính sách và giải pháp nâng cao năng lực thích ứng cho hợp tác xã trong bối cảnh mới.”
“Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế đối phó với dịch COVID-19, tuy nhiên có một số chính sách không quy định hợp tác xã thuộc phạm vi điều chỉnh nên khu vực kinh tế này gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận và thụ hưởng chính sách. Cụ thể, 41% tổng số hợp tác xã trong nhóm khảo sát cho hay đã không biết đến chính sách cho hợp tác xã vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động hay 38% hợp tác xã không nắm được chính sách giảm giá điện bán lẻ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh…”
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh về nội dung trên tại diễn đàn: “Thực trạng tiếp cận chính sách và giải pháp nâng cao năng lực thích ứng cho hợp tác xã trong bối cảnh mới,” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức.
82,2% số hợp tác xã bị giảm doanh thu
Tại diễn đàn, các đại biểu chia sẻ kết quả đánh giá những tác động, năng lực thích ứng và khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với khu vực hợp tác xã trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng như trước biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng trình bày các tham luận tư vấn nâng cao nhận thức của các hợp tác xã về chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng như đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận chính sách, năng lực thích ứng trong bối cảnh bình thường mới…
Ông Bảo cho biết đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến khu vực kinh tế hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã thuộc lĩnh vực du lịch, vận tải và một vài sản phẩm nông nghiệp như thanh long.
Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận của các hợp tác xã bị giảm mạnh do các khó khăn về việc giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới các nước, đầu vào sản xuất, kinh doanh, phân phối và tiêu thụ sản phẩm cũng như sự sụt giảm số lượng khách hàng và hợp đồng dịch vụ.
“Thống kê cho thấy 82,2% số hợp tác xã bị giảm doanh thu, trong đó 42,5% số hợp tác xã bị giảm hơn 1/2 doanh thu. Đây là một số trong các phát hiện của nghiên cứu về tác động và ứng phó đại dịch COVID-19 mà Liên minh hợp tác xã Việt Nam và UNDP thực hiện khảo sát thực địa tại bốn tỉnh, thành phố chịu tác động trực tiếp của COVID-19 và điều tra khảo sát 174 hợp tác xã, tại 24 tỉnh và 34 liên minh hợp tác xã-với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản,” ông Bảo chia sẻ.
41% hợp tác xã không biết đến chính sách hỗ trợ lãi suất 0%
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát từ tháng 1/2020 đến nay, Việt Nam đã khá thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, công tác phòng, chống dịch đã đạt kết quả tương đối tốt, đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội.
Trên thực tế, ngay từ khi đợt dịch đầu tiên xuất hiện, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương ban hành các kết luận, nghị quyết, chỉ thị với phương châm “chống dịch như chống giặc,” quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, quan trọng, nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội.
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu hiệu quả, Chính phủ và các cấp, các ngành đã chú trọng nhiệm vụ phát triển thị trường trong nước, duy trì tương đối tốt sự cân đối cung-cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm trong thời gian dịch. Nhằm vực dậy nội lực kinh tế, Chính phủ ban hành nhiều chính sách với những cách thức tác động mang tính khuyến khích đối với các chủ thể thuộc mọi thành phần, như miễn giảm thuế, tạo cơ hội tiếp cận với nguồn vốn có lãi suất ưu đãi, ban hành những thủ tục hành chính đơn giản và các chế độ ưu đãi đặc biệt khác…
Song qua kết quả khảo sát trên, ông Bảo chỉ ra một số chính sách đã “quên” quy định các hợp tác xã thuộc phạm vi điều chỉnh, nên khu vực kinh tế này đã gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận và thụ hưởng các chính sách này. Cụ thể, 41% tổng số hợp tác xã trong nhóm khảo sát cho hay, họ đã không biết đến chính sách cho hợp tác xã vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động và 38% hợp tác xã không nắm được chính sách giảm giá điện bán lẻ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Tại diễn đàn, bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP-Việt Nam phát biểu: “điều quan trọng là các hợp tác xã phải tiếp cận được với các nguồn hỗ trợ để ứng phó với các tác động tức thời của đại dịch, để duy trì lực lượng lao động, duy trì hoạt động của họ và cuối cùng là phục hồi và xây dựng tốt hơn trong bối cảnh bình thường mới.”
Với mục tiêu đó, bà Sitara Syed cho biết UNDP đã và đang hỗ trợ các hợp tác xã tổ chức 5 lớp tập huấn về quản lý rủi ro và kinh doanh liên tục cho 276 người (thành viên hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ). Bên cạnh đó, UNDP đã hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho 600 hộ nghèo và cận nghèo của các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại Hà Giang. Ngoài ra, tổ chức này cũng hỗ trợ trực tiếp cho 15 hợp tác xã thanh long ở Bình Thuận về phục hồi xanh và phát triển tốt hơn trong tương lai.
“Những hỗ trợ này đã mang đến lợi ích trực tiếp cho 1.388 người và hàng nghìn người gián tiếp được hưởng lợi” bà Sitara nói./.
Ý kiến ()