Hợp tác với Rosatom triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân
Sự thành công của Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hợp tác khoa học và công nghệ (KHCN) Việt Nam - Liên bang Nga cũng như nâng cao tiềm lực năng lượng nguyên tử cho Việt Nam trong giai đoạn tới.
Theo thông tin từ Bộ KH&CN, chiều ngày 24/9 (giờ địa phương), Đoàn công tác Bộ KH&CN Việt Nam do Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom).
Tại buổi làm việc, hai bên đã thảo luận các biện pháp nhằm triển khai có hiệu quả và đúng tiến độ Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Đồng thời hai bên cũng xây dựng kế hoạch tổng thể giữa hai nước trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Chào mừng đoàn công tác của Bộ KH&CN Việt Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Rosatom Alexey Likhachiov cho biết, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6/2024, hai bên đã khẳng định phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình là lĩnh vực hứa hẹn trong mở rộng hợp tác song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Nhân dịp đó, Rosatom và Bộ KH&CN đã ký bản ghi nhớ về lộ trình thực hiện Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.
Tổng Giám đốc Alexey Likhachiov khẳng định, Rosatom rất quan tâm đến hợp tác toàn diện với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; cảm ơn phía Việt Nam đã hỗ trợ trong hoạt động hợp tác nghiên cứu và đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Đề cập đến Diễn đàn sinh viên quốc tế tốt nghiệp ngành nguyên tử lần thứ nhất được tổ chức tại Liên bang Nga vào năm 2023, Rosatom mong muốn tổ chức Diễn đàn lần thứ hai vào năm 2025 tại Việt Nam nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 80 năm ngày thành lập ngành hạt nhân Nga.
Thay mặt Bộ KH&CN, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cảm ơn Tập đoàn Rosatom, các thế hệ chuyên gia và nhà khoa học của Tập đoàn cũng như cá nhân Tổng Giám đốc Tập đoàn Alexey Likhachiov đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam trong 40 năm qua.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, buổi làm việc là cơ hội quý giá để hai bên điểm lại những công việc đã thực hiện và thảo luận về kế hoạch hợp tác giữa Bộ KH&CN và Tập đoàn Rosatom trong lĩnh vực năng lượng nguyên trpmg thời gian tới nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai bên.
Về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử với Liên bang Nga, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, sau chuyến thăm của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và cuộc gặp giữa Tổng Giám đốc Rosatom Alexey Likhachiov với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, lãnh đạo Việt Nam thể hiện sự quan tâm mãnh mẽ đến việc triển khai Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân.
Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Bộ KH&CN nhận được sự quan tâm sát sao từ Đảng và Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Dự án. Sự thành công của Dự án sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hợp tác KHCN Việt Nam - Liên bang Nga cũng như giúp nâng cao tiềm lực năng lượng nguyên tử cho Việt Nam trong giai đoạn tới.
Đây cũng là tiền đề để hai nước tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác quan trọng hơn trong tương lai, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Nâng cao tiềm lực năng lượng nguyên tử
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị Tổng Giám đốc Alexey Likhachiov xem xét đề xuất xây dựng lộ trình hợp tác riêng giữa Bộ KH&CN và Tập đoàn Rosatom giai đoạn 2025 – 2030 nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Liên bang Nga, đồng thời hiện thực hóa tiềm năng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Cụ thể: Hai bên cùng nhau triển khai thực hiện thành công Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân; Bộ KH&CN cùng Rosatom hợp tác xây dựng Trung tâm Truyền thông năng lượng nguyên tử tại Thành phố Long Khánh (Đồng Nai). Đây là nhiệm vụ quan trọng hiện nay, rất cần thiết để Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân thành công.
Hai bên cũng tăng cường hợp tác nghiên cứu về các công nghệ điện hạt nhân tiên tiến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng và chống biến đổi khí hậu, dự kiến bắt đầu từ năm 2025; phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, các khóa phổ biến kiến thức về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân cho công chúng, cán bộ quản lý và các đối tượng liên quan.
Đồng thời hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cho Việt Nam, đào tạo cán bộ nghiên cứu cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và ngành năng lượng nguyên tử (phối hợp với việc cử cán bộ nghiên cứu sang làm việc tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR) dự kiến bắt đầu từ 2025, phối hợp tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn, chuyên ngành, nâng cao trình độ cho cán bộ nghiên cứu và cán bộ quản lý của Việt Nam).
Đồng thời, trong lộ trình hợp tác giữa Bộ KH&CN và Tập đoàn Rosatom, Bộ trưởng đề nghị đưa vào một số nội dung hợp tác khác như: Hợp tác trong việc hoàn thiện và đưa vào vận hành Mạng Quan trắc phóng xạ và cảnh báo sự cố quốc gia của Việt Nam; việc tham gia của Việt Nam vào Liên danh Trung tâm nghiên cứu quốc tế trên cơ sở lò phản ứng nghiên cứu nơtron nhanh đa năng (IRC MBIR); Rosatom bảo đảm cung cấp nhiên liệu cho Lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu Đà Lạt; triển khai Thoả thuận hợp tác, ký kết Hợp đồng trong việc chuyển trả nhiên liệu hạt nhân và một số lĩnh vực khác liên quan đến chiếu xạ, y học hạt nhân…
Tổng Giám đốc Rosatom Alexey Likhachiov hoàn toàn nhất trí và ủng hộ các sáng kiến mà Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề xuất. Theo đó, Bộ KH&CN cùng Tập đoàn ROSATOM sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng nhanh chóng tiến hành đàm phán về dự thảo Lộ trình hợp tác để có thể ký kết trong thời gian tới.
* Như Báo điện tử Chính phủ đã đưa, dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân có cấu phần chính là lò phản ứng hạt nhân với công suất 10 MW sẽ được xây dựng trên diện tích 100 ha tại TP. Long Khánh (Đồng Nai).
Hiện nay, công tác rà soát bom mìn tại địa điểm xây dựng lò phản ứng hạt nhân đã thực hiện xong. Tới đây, các đơn vị chức năng sẽ khoan khảo sát dưới lòng đất để lấy số liệu đánh giá độ nguy hiểm động đất, từ đó đưa ra phương án thiết kế lò.
Ba nhiệm vụ quan trọng của lò phản ứng tại Long Khánh là: Sản xuất đồng vị phóng xạ, dược chất phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư; chiếu xạ silic tạo vật liệu bán dẫn; triển khai các nghiên cứu tiên tiến, thúc đẩy đưa ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ vào các lĩnh vực đời sống xã hội.
Ý kiến ()