Hợp tác Việt Nam-Canada trong chuỗi cung ứng: Hiện tại và Tương lai
Diễn ra ở thời điểm hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Canada sụt giảm trong tháng 7 và 8/2021, hội thảo là cơ hội để các hiệp hội, các doanh nghiệp kịp thời bàn thảo biện pháp khắc phục.
Theo phóng viên TTXVN tại Canada, ngày 14/10, tại Trung tâm Thương mại và Đầu tư Ontario ở thành phố Toronto, Canada đã diễn ra hội thảo “Hợp tác Việt Nam-Canada trong chuỗi cung ứng: Hiện tại và Tương lai.”
Hội thảo được Đại sứ quán Việt Nam tại Canada phối hợp với Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam tổ chức dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo đã cập nhật thông tin về vai trò ngày càng lớn của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng và tiềm năng hợp tác giữa Canada và Việt Nam trong lĩnh vực này.
Diễn ra ở thời điểm hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Canada sụt giảm trong tháng 7 và 8/2021, hội thảo này là cơ hội để các hiệp hội, các doanh nghiệp kịp thời bàn thảo biện pháp khắc phục, góp phần đảm bảo an ninh con người và an ninh kinh tế ở cả hai nước.
Đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn mạnh vào Chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), dẫn đến việc đóng cửa các nhà cung cấp, làm gián đoạn dịch vụ hậu cần, đẩy tỷ lệ thất nghiệp cao,…. Ở một số nơi, chủ nghĩa bảo hộ đang làm tổn hại chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế giữa các quốc gia.
Tất cả những yếu tố này đã dẫn đến một thực tế là các dây chuyền sản xuất đang gặp nhiều khó khăn, hoặc thậm chí bị đứt gẫy. Yếu tố địa lý giờ đây không còn được ưu tiên, mà được thay thế bằng độ tin cậy và tính bền vững.
Chuỗi cung ứng, và an ninh kinh tế theo hướng rộng hơn, chỉ có thể được duy trì nếu có các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ đáng tin cậy và bền vững, cũng như hậu cần được đảm bảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Cao Phong khẳng định tình hữu nghị và mối quan hệ hợp tác ngày càng lớn mạnh giữa Việt Nam và Canada là nền tảng tuyệt vời cho chuỗi cung ứng bền vững và đáng tin cậy như vậy.
Được thiết lập từ năm 2017, mối quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Canada ngày càng phát triển bền vững và đà phát triển này được duy trì trong thời kỳ đại dịch với các cuộc điện đàm và trao đổi trực tuyến giữa lãnh đạo hai nước.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam và Canada cùng là thành viên sáng lập đem đến các ưu đãi về thuế trong kinh doanh cả hàng tiêu dùng và nguyên vật liệu.
Nhân tố này tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, cung cấp hàng hóa, dịch vụ và nguyên vật liệu cho dây chuyền sản xuất trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu còn nhiều hỗn loạn, góp phần tích cực vào việc đảm bảo an ninh con người và an ninh kinh tế của hai nước.
Kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Canada tăng 12,8% trong năm ngoái và 28,5% trong 7 tháng đầu năm nay đã thể hiện mối quan hệ đối tác thương mại đáng tin cậy và có tính bổ sung cho nhau.
Chia sẻ quan điểm này của Đại sứ Phạm Cao Phong, Thượng nghị sĩ Victor Oh nhấn mạnh mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến thương mại toàn cầu, nhưng những số liệu thống kê đã thể hiện một liên minh thương mại vững chắc giữa Việt Nam và Canada, và chứng minh rằng các cơ hội tăng trưởng vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Kể từ năm 2015, Việt Nam đã là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN.
Trong khuôn khổ CPTPP (một trong những hiệp định thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, chiếm gần 13,4% GDP toàn cầu), Canada xóa bỏ 94% tổng số dòng thuế đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam và Việt Nam xóa bỏ khoảng 66% tổng số dòng thuế đối với hàng nhập khẩu của Canada, và điều này tạo cơ hội để thương mại tăng trưởng hơn nữa.
Ông Jay Allen, Giám đốc điều hành bộ phận Chính sách thương mại và đàm phán, thuộc Bộ các vấn đề toàn cầu Canada (GAC), đánh giá CPTPP là một thành công lớn đối với doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng ở Việt Nam và Canada. Trong bối cảnh quan hệ hai nước gắn bó sâu sắc, câu chuyện hợp tác thương mại mới chỉ bắt đầu.
Đại sứ Phạm Cao Phong khuyến nghị để thích ứng với trạng thái bình thường giai đoạn hậu COVID-19, các doanh nghiệp hai nước cần thảo luận thêm các vấn đề sau: thành lập Trung tâm hỗ trợ quản trị chung, mô hình B2B (giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp), R&D (Nghiên cứu và phát triển), giảm thiểu rủi ro bằng cách tăng cường kinh doanh trực tiếp, nâng cao dịch vụ sau bán hàng, số hóa và bảo mật kỹ thuật số, hậu cần xanh,….
Tham gia hội thảo này, ngoài đại diện của GAC, chính quyền thành phố Toronto, Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Canada (EDC), Cơ quan xúc tiến thương mại Canada, Bộ Phát triển kinh tế, Kiến tạo việc làm và Thương mại tỉnh Ontario, còn có đại diện Bộ Công Thương Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh, cùng sự góp mặt của đông đảo doanh nghiệp hai nước.
Với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 1,42% trong 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với hoạt động đầu tư và kinh doanh nhờ sự ổn định về chính trị và kinh tế vĩ mô, nguồn nhân lực năng động và dồi dào, cùng nhiều điều kiện khác.
Là thành viên sáng lập của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Việt Nam có thể đóng vai trò cầu nối cho các doanh nghiệp Canada đến với 14 quốc gia thành viên khác, tiếp cận với 30% dân số thế giới (2,2 tỷ người) và 30% GDP toàn cầu (26.200 tỷ USD).
Ở chiều ngược lại, Canada có thể là cánh cửa để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ và Mexico – các thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ phiên bản mới./.
Ý kiến ()