Hợp tác vì tương lai của Mỹ la-tinh
Trong hai ngày 3 và 4-12, tại TP Ma-đên Pla-ta (Ác-hen-ti-na) đã diễn ra Hội nghị cấp cao lần thứ 20 I-bê-ri-a - Mỹ la-tinh với chủ đề chính "Giáo dục và hội nhập xã hội", có sự tham dự của lãnh đạo 18 nước thành viên.Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục đối mặt những khó khăn, thách thức do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, nhất là tình trạng nợ công đang lan rộng ở châu Âu, trong đó Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, các đối tác quan trọng của các nước Mỹ la-tinh tại Hội nghị bị ảnh hưởng nặng nề. Thủ tướng Tây Ban Nha H. Xa-pa-tê-rô đã phải hủy kế hoạch dự Hội nghị cấp cao I-bê-ri-a- Mỹ la-tinh - 20 để cùng các thành viên Chính phủ giải quyết các vấn đề nợ công của nước này. Khu vực Mỹ la-tinh đang có những chuyển biến tích cực. Xu thế đoàn kết, hợp tác, liên kết khu vực và hội nhập quốc tế tiếp tục được củng cố và tăng cường thể hiện qua việc thành lập Cộng đồng các nước Mỹ...
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục đối mặt những khó khăn, thách thức do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, nhất là tình trạng nợ công đang lan rộng ở châu Âu, trong đó Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, các đối tác quan trọng của các nước Mỹ la-tinh tại Hội nghị bị ảnh hưởng nặng nề. Thủ tướng Tây Ban Nha H. Xa-pa-tê-rô đã phải hủy kế hoạch dự Hội nghị cấp cao I-bê-ri-a- Mỹ la-tinh – 20 để cùng các thành viên Chính phủ giải quyết các vấn đề nợ công của nước này. Khu vực Mỹ la-tinh đang có những chuyển biến tích cực. Xu thế đoàn kết, hợp tác, liên kết khu vực và hội nhập quốc tế tiếp tục được củng cố và tăng cường thể hiện qua việc thành lập Cộng đồng các nước Mỹ la-tinh (CELC) hồi tháng 2 và Liên hiệp châu Âu và Mỹ la-tinh (EU-MLT) hồi tháng 5-2010. Kinh tế khu vực gần như thoát khỏi khủng hoảng, đang phục hồi và tăng trưởng khá, nhất là Bra-xin, nước có nền kinh tế lớn nhất Mỹ la-tinh có thể đạt mức tăng trưởng 7,5% trong năm 2010. Theo báo cáo của Ủy ban kinh tế LHQ về Mỹ la- tinh và Ca-ri-bê (CEPAL), kinh tế Mỹ la-tinh sẽ đạt mức tăng trưởng 5,2% và GDP bình quân đầu người của toàn khu vực sẽ tăng 3,7% năm 2010. Cùng với Bra-xin, nhiều nước Nam Mỹ có mức tăng trưởng kinh tế cao là U-ru-guay 7%, Pa-ra-guay 7%, Ác-hen-ti-na 6,8% và Pê-ru 6,7%. Tiếp theo là CH Đô-mi-ni-ca-na 6%, Pa-na-ma 5%, Bô-li-vi-a 4,5%, Chi-lê 4,3%, Mê-hi-cô 4,1%, Cô-lôm-bi-a 3,7%, Ê-cu-a-đo và On-đu-rát 2,5%, Ni-ca-ra-goa và Goa-tê-ma-la 2%… Tăng trưởng kinh tế đã góp phần cải thiện tỷ lệ thất nghiệp. Tính đến cuối quý II năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong khu vực đã giảm xuống 7,8%, thấp hơn so với 8,2% hồi cuối năm 2009…
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo thảo luận các biện pháp và phương thức sử dụng thành quả tăng trưởng kinh tế của Mỹ la-tinh trong những năm qua để thúc đẩy giáo dục, bảo đảm phát triển bền vững cho tương lai, đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác Nam Nam trong bối cảnh viện trợ của các nước công nghiệp phát triển giảm đi. Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng khác như thúc đẩy và bảo vệ các nền dân chủ trước nguy cơ đảo chính; tăng cường hợp tác đấu tranh chống khủng bố, tội phạm có tổ chức và biến đổi khí hậu… Hội nghị cấp cao I-bê-ri-a – Mỹ la-tinh 20 thông qua 13 văn kiện chính thức và Tuyên bố Ma-đên Pla-ta. Trong Tuyên bố Ma-đên Pla-ta gồm 57 điểm, lãnh đạo các nước thành viên cam kết đầu tư vào quỹ phát triển giáo dục khu vực trị giá ba tỷ USD trong vòng mười năm tới nhằm mục tiêu xóa nạn mù chữ trong khu vực trước năm 2015, phổ cập giáo dục tiểu học và đẩy mạnh giáo dục ở các cấp, bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục đối với mọi công dân… Tuyên bố Ma-đên Pla-ta ủng hộ yêu cầu của Ác-hen-ti-na về chủ quyền đối với quần đảo Man-vi-nát; kêu gọi Ác-hen-ti-na và Anh nối lại đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ, phản đối việc Anh tập trận và khai thác dầu khí trên quần đảo này; lên án chính sách bao vây cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cu-ba và kêu gọi Oa-sinh-tơn chấm dứt hành động này. Hội nghị cũng thông qua nhiều văn kiện thúc đẩy dân chủ, tăng cường hợp tác trao đổi thương mại, đấu tranh chống khủng bố, tội phạm có tổ chức và bảo vệ môi trường. Tại hội nghị, cố tổng thống Ác-hen-ti-na N. Kít-xnơ, người từ trần cuối tháng 10 vừa qua được tôn vinh là một trong những nhà lãnh đạo tích cực thúc đẩy quá trình liên kết và hội nhập Mỹ la-tinh. Tổng thống Pa-ra-guay Ph.Lu-gô đã nhận chức chủ tịch luân phiên của Hội nghị cấp cao I-bê-ri-a – Mỹ la-tinh nhiệm kỳ tới. Ông cho biết, Hội nghị lần thứ 21 được tổ chức lần đầu tại Pa-ra-guay trong hai ngày 28 và 29-10-2011, với chủ đề 'Chuyển giao kỹ thuật số cho sự phát triển'.
Được coi là một trong những diễn đàn quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ la-tinh và châu Âu, Hội nghị cấp cao I-bê-ri-a – Mỹ la-tinh lần thứ 20 kết thúc tốt đẹp, đánh dấu bước phát triển tích cực của tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong khối các nước Mỹ la-tinh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong tiến trình hợp tác, liên kết khu vực và hội nhập kinh tế thế giới. Các quốc gia I-bê-ri-a – Mỹ la-tinh có nhiều nét tương đồng về văn hóa, lịch sử và địa lý đang tăng cường hợp tác, nỗ lực phấn đấu vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()