Hợp tác quốc tế về biển đi vào chiều sâu và phong phú
25 năm thực thi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), không chỉ tăng cường hợp tác quốc tế về biển, mà các nội dung hợp tác của Việt Nam ngày càng phong phú và đi vào chiều sâu.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, về lĩnh vực thủy sản, Việt Nam tích cực hợp tác với các nước trong lĩnh vực này, đặc biệt là về chống khai thác IUU. Việt Nam đã ký kết 4 điều ước quốc tế và 17 thỏa thuận quốc tế về các lĩnh vực liên quan đến nghề cá và hợp tác trên biển với các nước trong và ngoài khu vực như Malaysia, Myanmar, Indonesia, Ai Cập, Nga…
Các thỏa thuận về thiết lập đường dây nóng trong các hoạt động nghề cá cũng đã được ký kết, trong đó gồm thỏa thuận ký với Australia về chống IUU, khai thông đường dây nóng Việt Nam – Philippines vào năm 2015, thiết lập đường dây nóng với Trung Quốc năm 2013 về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển…
Ngoài ra, các địa phương của Việt Nam cũng đã hợp tác, triển khai dự án với các đối tác nước ngoài nhằm nâng cao khả năng, chất lượng khai thác, nuôi trồng, thu mua và chế biến hải sản, chống IUU như các dự án do Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC), Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã (WWF)… tài trợ và hỗ trợ.
Về du lịch biển, Việt Nam hiện đang triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ thỏa thuận với Philippines và Singapore về phát triển du lịch tàu biển; hợp tác phát triển hành lang ven biển phía Nam giữa tỉnh Cà Mau, Kiên Giang với Campuchia và tỉnh Trat (Thái Lan); tiếp nhận và triển khai các hỗ trợ kỹ thuật về du lịch khu vực ven biển tại nhiều địa phương, thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành du lịch biển, đảo.
Về bảo tồn tài nguyên và môi trường biển, nội dung hợp tác quốc tế tập trung vào tăng cường khả năng ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu tới môi trường biển và các tài nguyên biển Việt Nam. Hiện đang xây dựng dự án Xây dựng khả năng phục hồi hệ sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng vùng bờ biển tại Việt Nam…
Để giải quyết các sự cố trên biển như tràn dầu, loang dầu thông, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia hợp tác nghiên cứu xây dựng quy trình sử dụng đất phân tán trên biển; triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ thỏa thuận với Philippines về hợp tác trong lĩnh vực ứng phó với sự cố tràn dầu trên biển.
Việt Nam cũng thực hiện các dự án về bảo tồn môi trường biển, các loài sinh vật biển, phát triển, phục hồi rừng phòng hộ ven biển; tổ chức hội thảo với các chuyên gia nước ngoài về chống xói lở bờ biển, xây dựng Trung tâm Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai (Bình Thuận)…
Về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, các dự án hợp tác tập trung vào các nội dung điều tra, khảo sát về tiềm năng tài nguyên biển như: Tiềm năng khí hydrate; đặc trưng, đặc điểm của bờ biển, đáy biển, địa chất, địa mạo, dòng chảy, sóng, độc tố biển, trầm tích biển, hiện tượng nước trồi cũng như hệ sinh thái và môi trường biển Việt Nam, trắc địa, nghiên cứu địa chất, khoáng sản biển, tài nguyên – môi trường vùng biển sâu xa bờ khu vực Trung và Nam Trung Bộ.
Về phát triển khoa học, công nghệ biển, các dự án tập trung vào việc nghiên cứu các công nghệ ứng phó, xử lý với sự cố tràn dầu, dầu loang trên biển, công nghệ vận tải bằng tàu biển sinh vật độc hại, xây dựng khả năng phục hồi của hệ sinh thái ven biển, phát triển khoa học, công nghệ mới nhằm chống xói lở bờ biển, công nghệ năng lượng tái tạo tại các khu vực biển, chuyển giao khoa học, công nghệ; tổ chức các hội thảo, hội nghị quốc tế trao đổi chuyên môn về khoa học, công nghệ biển và hàng hải; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia các dự án liên quan, nâng cao nhận thức cho người dân ở các vùng miền nơi dự án được triển khai.
Về bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, Việt Nam tham gia hợp tác quốc tế và thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong lĩnh vực này, đặc biệt là Công ước tạo thuận lợi giao thông hàng hải quốc tế.
Việt Nam phối hợp với Tổ chức Di trú quốc tế (IMO) thực hiện dự án Xây dựng năng lực và chiến dịch truyền thông cộng đồng chống đưa người di cư trái phép tại Việt Nam.
Việt Nam cũng chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào các hội thảo, hội nghị, diễn đàn an ninh chính trị quốc tế, đặc biệt là cơ chế trong ASEAN. Thực hiện nghĩa thành viên của Tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO), Việt Nam đã thành lập Ủy ban Thủy đạc Việt Nam (VHO) để triển khai nhiều hoạt động quốc tế, mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã ký kết và triển khai các thỏa thuận về chia sẻ thông tin, phối hợp giữa hải quân, cảnh sát biển Việt Nam với lực lượng chức năng của các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Campuchia; thiết lập đường dây nóng giữa hải quân Việt Nam với hải quan Brunei, Campuchia, Thái Lan…
Việt Nam đã phối hợp cứu vớt ngư dân Philippines gặp nạn trên biển, phối hợp với Indonesia bắt giữ tàu cướp biển… Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này tạo điều kiện thuận lợi tiến hành các hoạt động hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia trên biển, phối hợp giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, không để xảy ra xung đột trên biển…
Hoạt động hợp tác quốc tế về biển đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường tin cậy chính trị, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước để từng bước giải quyết các tranh chấp trên biển, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, giúp huy động các nguồn lực, tri thức cần thiết để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; biểu thị rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực thi đầy đủ những nội dung của UNCLOS.
Ý kiến ()