Hợp tác quốc tế: Tạo thuận lợi thu hút đầu tư, hội nhập quốc tế
(LSO) – Những năm qua, Lạng Sơn đã đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế kết hợp xúc tiến thương mại và du lịch, từng bước nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.
Mở rộng quan hệ đối ngoại
Xác định rõ tầm quan trọng của đối ngoại quốc tế trong giai đoạn hiện nay, các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế được tỉnh thực hiện theo phương châm “chủ động, tích cực”. Trọng tâm là tăng cường quan hệ giao lưu hữu nghị, hợp tác trên nhiều lĩnh vực với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Qua đó, hai bên đã thường xuyên tổ chức hoạt động trao đổi đoàn lãnh đạo cấp tỉnh – khu, giữa các ngành, các huyện và nhân dân hai bên biên giới; tích cực phát huy các cơ chế hiện có như: cơ chế “trao đổi hợp tác ở vùng biên giới”, Ủy ban công tác liên hợp giữa các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây…
Bên cạnh việc thiết lập quan hệ hữu nghị với Quảng Tây, Trung Quốc, tỉnh thiết lập quan hệ với các đối tác nước ngoài có nhiều tiềm năng hợp tác như: tỉnh Gangwon, Hàn Quốc; tỉnh Kanagawa và Fukuoka, Nhật Bản; Hiệp hội Doanh nghiệp Australia – Việt Nam; Quỹ toàn cầu hóa nông thôn mới Hàn Quốc… Đồng thời, tỉnh luôn duy trì mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam như đại sứ quán các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Nga, các nước ASEAN; các tổ chức phi chính phủ, các ngân hàng quốc tế…
Đoàn công tác của Đại sứ quán Pháp khảo sát, tìm hiểu hoạt động thương mại biên giới tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng)
Theo số liệu thống kê của Sở Ngoại vụ, từ năm 2010 đến nay, Lạng Sơn đã đón tiếp trên 700 đoàn khách nước ngoài, với khoảng 5.800 lượt người đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đại diện cho quốc gia, các tổ chức quốc tế đến thăm và làm việc với tỉnh để tăng cường hoạt động giao lưu, hợp tác, tìm hiểu thị trường, nghiên cứu khoa học, triển khai các dự án viện trợ phát triển và hoạt động báo chí. Tỉnh cũng đã cử 8.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi công tác nước ngoài làm việc, khảo sát, xúc tiến đầu tư – thương mại, tham gia các hội thảo, hội nghị hoặc các chương trình đào tạo – học tập kinh nghiệm. Thông qua đó, đã có 25 thỏa thuận hợp tác quốc tế cấp tỉnh được ký kết với nhiều nội dung, lĩnh vực hợp tác thiết thực.
Hiệu quả thu hút đầu tư
Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế được triển khai mạnh, đã góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh. Trong đó có 2 hình thức chính là dự án tài trợ quốc tế mang tích chất xã hội và dự án đầu tư kinh tế. Đơn cử như từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Ngoại vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các thủ tục tiếp nhận 3 khoản viện trợ; trình phê duyệt, đề xuất cho phép các đoàn khách quốc tế, đến hoạt động tình nguyện và đầu tư tài trợ trên địa bàn. Chủ yếu là các dự án xây dựng và thiết bị trường học, hỗ trợ thiết bị y tế, dụng cụ học tập cho các trường tiểu học với tổng giá trị viện trợ gần 210 nghìn USD. Đặc biệt là tổ chức Korea Food for the Hungry International (KFHI) Hàn Quốc đang hoàn thiện hồ sơ dự án xây dựng “Ngôi trường Hy vọng Sam Sung” tại thành phố Lạng Sơn do SAMSUNG tài trợ.
Bà Trịnh Tuyết Mai, Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết: Được sự đồng ý của UBND tỉnh, sở đã kết nối, mời đoàn công tác Pháp; đoàn công tác tỉnh Gyeongsang Buk, Hàn Quốc; đoàn công tác Hiệp hội Tình nguyện Quốc tế Daejin, Hàn Quốc (DIVA) đến khảo sát, làm việc tại tỉnh để trao đổi phương án hợp tác, đầu tư tài trợ và triển khai dự án; tạo điều kiện cho một số tổ chức, cá nhân nước ngoài đến làm việc, khảo sát và thực hiện dự án “Nghiên cứu và lắp đặt hệ thống điện lưới độc lập bằng năng lượng tái tạo” tại tỉnh; trao đổi về tình hình, nhu cầu hợp tác phát triển sản xuất trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng điện và các lĩnh vực khác trên địa bàn.
Đối với các dự án phát triển hạ tầng kinh tế, toàn tỉnh hiện có 28 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 228 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 1.200 lao động. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã chủ động, tích cực vận động các nguồn vốn ODA, NGO phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Như vốn ODA, tỉnh đã tiếp nhận và triển khai 11 chương trình dự án với tổng vốn hơn 122 triệu USD. Trong đó có 8 dự án đang triển khai và 3 dự án đang chuẩn bị thực hiện. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận 18 dự án phi chính phủ nước ngoài với tổng vốn hơn 1,5 triệu USD và 40 khoản viện trợ phi dự án với tổng giá trị hơn 317 nghìn USD.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đạt hiệu quả cao, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Việc tăng cường hợp tác đã góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại biên giới và đặc biệt là đã quảng bá, giới thiệu được tiềm năng, lợi thế và văn hóa của Lạng Sơn với các nước trên thế giới.
Ý kiến ()