Hợp tác phát triển sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê Việt Nam - Trung Quốc
Với mục đích kết nối giao thương, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê giữa Việt Nam và Trung Quốc, ngày 14/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn hợp tác phát triển sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê Việt Nam-Trung Quốc .
Toàn cảnh hội nghị |
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, với tính chất địa lý, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều nhóm nông sản, thủy sản có thể bổ trợ cho nhau. Sức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam rất lớn với khoảng 50 triệu tấn lương thực, 5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn thủy sản, 12 tỷ quả trứng, 1 triệu tấn sữa, 20 triệu m3 gỗ từ rừng trồng…
Đặc biệt, Việt Nam có lợi thế về các sản phẩm cây công nghiệp, như sản lượng cà phê đứng thứ hai thế giới, chiếm trên 50% sản lượng tiêu thụ thế giới; 1,2 triệu tấn cao su; 3 triệu tấn hạt điều và lớn nhất thế giới… Việt Nam chỉ sử dụng hết 50%, còn lại là xuất khẩu. Về vật tư nông nghiệp, Việt Nam đã nhập khẩu nhiều máy móc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các nông sản ôn đới về mùa hè…
“Trung Quốc cũng là thị trường lớn nhập khẩu nông sản Việt Nam, nhưng tiềm năng lợi thế hai nước còn rất lớn và cần tính đến cung ứng nông sản cho chuỗi nông sản toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Không chỉ về thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Trung Quốc còn là quốc gia có nhiều tiến bộ khoa học kỹ thật, đặc biệt là giống. Hai bên cần hợp tác hơn nữa về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là những tiến bộ trong ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai; phát triển chế biến nông sản.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc Hàn Trường Phú đánh giá cao những thành tựu ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được thời gian qua. Trung Quốc mong muốn cùng Việt Nam hợp tác các vấn đề trong phát triển nông nghiệp như khoa học kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu, xây dựng hạ tầng, chế biến nông sản, đầu tư nông nghiệp… Về thương mại nông sản, Bộ trưởng Hàn Trường Phú cho biết, Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước.
Với mục đích kết nối giao thương, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê giữa Việt Nam và Trung Quốc, diễn đàn là dịp để các cơ quan nhà nước, địa phương, doanh nghiệp hai nước trao đổi hợp tác phát triển sản xuất, chế biến và thương mại chè và cà phê qua đó có các định hướng trong sản xuất, chế biến nhằm phát triển thương mại đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của thị trường. Đồng thời giúp các doanh nghiệp tăng cường liên kết trong sản xuất, cung cấp nguyên liệu phục vụ chế biến và liên kết trong phát triển thị trường tiêu thụ, đảm bảo lợi ích chung của nhân dân hai nước.
Nhận định về cơ hội hợp tác và xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam nói chung, mặt hàng chè và cà phê nói riêng sang thị trường Trung Quốc, các đại biểu cho rằng, đối với nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện mới chỉ là thị trường nhập khẩu xếp thứ 12 về cà phê và đứng thứ 4 về chè của Việt Nam. Vì vậy tiềm năng và nhu cầu nhập khẩu các loại nông sản của Trung Quốc còn rất lớn.
Ông Nguyễn Thiết Cương, Phó Giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến chia sẻ: “Từ trước đến nay chúng ta vẫn chỉ nghĩ đến cà phê cho ra những sản phẩm là đồ uống nhưng thực tế bản chất cây cà phê từ quả đến vỏ, thân đều có thể đưa ra rất nhiều sản phẩm. Để doanh nghiệp tìm kiếm được cách thức chế biến đem giá trị cao hơn cho sản phẩm cà phê, điều quan trọng nhất đó là công nghệ. Công nghệ chế biến phải được nâng cao và liên tục tìm kiếm, đổi mới cho phù hợp và khai thác được các giá trị của cây cà phê”.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()