Hợp tác pháp luật giữa hai ngành tư pháp và lao động - xã hội
Chiều ngày 8-12, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Bộ Tư pháp đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác pháp luật giai đoạn 2018 - 2022.
Theo đó, chương trình có mục đích nhằm tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tư pháp (dưới đây gọi chung là hai Bộ) trong việc thực hiện công tác pháp luật nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác pháp luật của ngành lao động, thương binh và xã hội.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế, xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức pháp chế, đội ngũ những người làm công tác pháp chế tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Chương trình phối hợp là căn cứ để hai Bộ xây dựng kế hoạch cụ thể hằng năm theo chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ và chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ công tác pháp luật.
Trong giai đoạn 2018 – 2022, hai Bộ tăng cường phối hợp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả tám nội dung công tác sau: xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; nuôi con nuôi, quốc tịch, hộ tịch; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; quản lý, đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; pháp chế; ứng dụng công nghệ thông tin.
Định kỳ hằng năm, căn cứ vào nhiệm vụ do mỗi cơ quan chủ trì, hai Bộ cùng xây dựng kế hoạch chung triển khai thực hiện, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phối hợp. Việc tổng kết, đánh giá kết quả sẽ thực hiện sau năm năm thực hiện Chương trình.
Định kỳ sáu tháng một lần, lãnh đạo đầu mối hai Bộ có trách nhiệm tổ chức các cuộc họp trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan đến nội dung phối hợp để rà soát, kiểm tra, đôn đốc triển khai các hoạt động; tổng hợp tình hình triển khai theo kế hoạch hàng năm đã được phê duyệt và báo cáo hai Bộ trưởng kết quả thực hiện Chương trình này.
Hằng năm, căn cứ vào nhiệm vụ do mỗi cơ quan chủ trì, hai Bộ dự toán và bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ của Chương trình này theo các quy định pháp luật hiện hành; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp chủ động phối hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp này tại địa phương.
Trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị liên quan có thể huy động nguồn kinh phí hỗ trợ hợp pháp từ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ phối hợp có hiệu quả.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, nội dung của Chương trình ký kết tập trung vào tám điểm, với các đầu việc xuyên suốt tất cả các lĩnh vực công tác của các đơn vị chủ chốt của hai Bộ và là một chương trình khá toàn diện. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã ký quy chế phối hợp với các cơ quan như Ban Nội chính Trung ương, Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Công thương, Ủy ban Dân tộc. Với một chương trình hợp tác toàn diện, sẽ tạo một cơ sở pháp lý cho hai bộ hai ngành, để có cơ sở tiếp tục thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ của hai ngành.
Về phần mình, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước đa lĩnh vực, được Chính phủ giao quản lý 14 lĩnh vực, từ lao động, việc làm, xuất khẩu lao động, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội, trẻ em, phụ nữ, bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo… Bộ chịu trách nhiệm về lĩnh vực an sinh xã hội, chi trả trợ cấp hằng tháng cho hơn 13 triệu đối tượng người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội, với ngân sách mỗi năm hơn 100 nghìn tỷ đồng. Công việc của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đa lĩnh vực, liên quan sát sườn đến người dân. Từ chương trình phối hợp, các đơn vị của hai ngành nên có cơ chế thường xuyên trao đổi công việc, tạo sự phối hợp nhịp nhàng, đưa hoạt động này trở thành chương trình phối hợp mẫu mực giữa hai Bộ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()