Hợp tác ngăn chặn nạn săn bắt trái phép và buôn bán động vật hoang dã ở Đông Phi
Ngày 5/12, Kenya đã ký với Liên hợp quốc (LHQ) và EU thỏa thuận trị giá 20,3 triệu USD nhằm ngăn chặn nạn săn bắt trái phép và buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang tại khu vực Đông Phi.
Đây là thỏa thuận nằm trong khuôn khổ dự án trị giá 30 triệu USD do 3 tổ chức của LHQ là Văn phòng LHQ về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), Công ước quốc tế cấm buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Công ước về các loài di cư (CMS) hợp tác thúc đẩy nhằm ngăn chặn nạn săn bắt trái phép và buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã trên toàn khu vực Đông và Nam Phi cùng Ấn Độ Dương. Thỏa thuận này sẽ tập trung vào các khu vực nhức nhối nhất, các điểm trung chuyển giữa các quốc gia và một số hệ sinh thái xuyên biên giới quan trọng của châu Phi.
Bà Sahle-Work Zewde (Xa-lơ Uốc Giu-đơ), người đứng đầu Văn phòng LHQ tại Nairobi (UNON) đánh giá cao sự giúp đỡ của EU vì động vật hoang dã tại khu vực châu Phi đang trong tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng do nạn săn bắn trộm và buôn bán bất hợp pháp. Theo bà Zewde, các cơ quan LHQ sẵn sàng giúp đỡ chính quyền các nước trong khu vực tăng cường và mở rộng chương trình kiểm soát container, một biện pháp hiệu quả trong việc hạn chế nạn buôn bán động vật hoang dã quốc tế. Tại Kenya, chương trình kiểm soát container tại cảng xuất cảnh thuộc thành phố biển Mobasa của Kenya đã ngăn chặn đáng kể nạn buôn bán động vật hoang dã ra quốc tế.
Trong khi đó, Ủy viên châu Âu về Môi trường, Sinh thái Karmenu Vella (Ka-me-niu Vê-la) đã kêu gọi các sáng kiến mới chống lại nạn săn bắt động vật hoang dã và buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã ở châu Phi. Ông cho biết EU đã bổ sung 5,9 triệu USD cho các nỗ lực bảo tồn tại khu vực Trung Phi và sẵn sàng hợp tác trong lĩnh vực động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học nói chung với các nước trong khu vực. Theo ông Vella, EU cũng đã tăng cường các nỗ lực bảo tồn tại châu Á bằng cách hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự.
Bên cạnh đó, Kenya cũng cam kết hỗ trợ các quốc gia Đông Phi quản lý động vật hoang dã và giải quyết nạn săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã. Trong giai đoạn 2013-2017, hơn 400 con voi tại Kenya đã bị săn bắn, tuy nhiên do áp dụng các biện pháp hợp pháp, con số này đã giảm đáng kể./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()