Hợp tác kinh tế đối ngoại Lào Cai – Vân Nam: Nhiều điểm sáng
Trên tinh thần quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện, sâu rộng giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt – Trung, những năm qua, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) luôn đẩy mạnh hoạt động giao lưu hợp tác trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại. Theo thống kê của cơ quan chuyên ngành, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai có 21 dự án gắn với thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư Trung Quốc với tổng vốn đăng ký 417,8 triệu USD, chiếm trên 80% tổng vốn đầu tư FDI trên toàn địa bàn tỉnh. Trong đó, riêng các nhà đầu tư tỉnh Vân Nam – Trung Quốc có 16 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 411,7 triệu USD. Một số dự án đã hoàn thành giai đoạn đầu tư và ổn định đi vào sản xuất như dự án sản xuất gỗ ván ép tạo sản phẩm để xuất khẩu. Bên cạnh đó, một số dự án lớn đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư như Nhà máy Gang thép Lào Cai và khai thác...
Trên tinh thần quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện, sâu rộng giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt – Trung, những năm qua, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) luôn đẩy mạnh hoạt động giao lưu hợp tác trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại.
Theo thống kê của cơ quan chuyên ngành, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai có 21 dự án gắn với thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư Trung Quốc với tổng vốn đăng ký 417,8 triệu USD, chiếm trên 80% tổng vốn đầu tư FDI trên toàn địa bàn tỉnh. Trong đó, riêng các nhà đầu tư tỉnh Vân Nam – Trung Quốc có 16 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 411,7 triệu USD. Một số dự án đã hoàn thành giai đoạn đầu tư và ổn định đi vào sản xuất như dự án sản xuất gỗ ván ép tạo sản phẩm để xuất khẩu. Bên cạnh đó, một số dự án lớn đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư như Nhà máy Gang thép Lào Cai và khai thác mỏ sắt Quý Sa của Công ty khoáng sản luyện kim Việt – Trung, Nhà máy thuỷ điện Séo Choong Hô của Công ty thuỷ điện Việt – Trung.
Song hành cùng với thu hút FDI thì hợp tác phát triển lĩnh vực năng lượng giữa Lào Cai và Vân Nam nói riêng cũng như của hai nước nói chung, bước đầu đã đem lại những lợi ích thiết thực cho phát triển kinh tế; chẳng hạn, ngành Điện lực Việt Nam đã hoàn thành đấu nối đường dây 220KV Lào Cai – Hà Khẩu để nhập khẩu điện từ Vân Nam với nhu cầu sản lượng khoảng 300MW/năm, đến nay điện Vân Nam đưa sang Việt Nam đã vượt mức 4 tỷ kWh. Riêng năm 2010, cung cấp cho Lào Cai trên 626 triệu kWh.
Góp một bước tiến mới trong hoạt động kinh tế đối ngoại đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động trao đổi giao lưu kinh tế qua biên giới Lào Cai – Vân Nam. T hời gian qua, quan hệ hợp tác trao đổi thương mại giữa hai tỉnh Lào Cai – Vân Nam tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh: nếu như tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) qua các cửa khẩu Lào Cai năm 1992 mới chỉ dừng lại ở con số 6,5 triệu USD, đến năm 2009 đạt 650 triệu USD. Bước sang năm 2010, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, khu vực và trong nước, kim ngạch XNK giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với các tỉnh, thành phố Việt Nam qua các cửa khẩu Lào Cai có bước tăng trưởng mạnh mẽ, năm 2010 đạt gần 860 triệu USD, tăng 132 lần so với năm 1992. Riêng 9 tháng năm 2011, kim ngạch XNK qua các cửa khẩu Lào Cai đã vượt qua con số 1 tỷ USD, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc của hoạt động thương mại vùng biên.
Bên cạnh đó, hợp tác về lĩnh vực tài chính, ngân hàng giữa Lào Cai – Vân Nam ngày càng được mở rộng, tạo bước đột phá mới cho hoạt động giao lưu kinh tế qua biên giới, điển hình là công tác thanh toán biên mậu với hàng hóa XNK qua cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu trong thời gian qua, góp phần thúc đẩy phát triển kinh doanh, XNK hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trong năm 2010, có trên 430 tổ chức, doanh nghiệp thường xuyên thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai; tổng doanh số thanh toán chung XNK hàng hóa qua Ngân hàng ước đạt 5.302 tỷ đồng tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm trước.
Đóng góp cho sự thành công của hoạt động kinh tế đối ngoại thời gian qua phải kể đến hoạt động xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp của các địa phương tích cực tham gia giới thiệu sản phẩm hàng hóa, ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Hội chợ thương mại biên giới Việt – Trung tổ chức luân phiên tại tỉnh Lào Cai và Vân Nam. Năm 2005, Hội chợ thương mại biên giới Việt – Trung được tổ chức tại thành phố Lào Cai thu hút 570 gian hàng của 354 tổ chức, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Trung Quốc tham gia, 10 hợp đồng được ký kết với tổng giá trị đạt 67 triệu USD thì đến năm 2009 cũng tại thành phố Lào Cai, Hội chợ đã thu hút 648 gian hàng của doanh nghiệp hai nước với 14 hợp đồng kinh tế được ký kết, đạt tổng giá trị đạt 114 triệu USD, tăng 70% so năm 2005. Riêng năm 2011, Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt -Trung được tổ chức tại Lào Cai với quy mô 700 gian hàng, trong đó có 250 gian hàng của các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, đã có 19 cặp hợp đồng kinh tế được ký kết với tổng giá trị đạt trên 201 triệu USD, tăng 76% so năm 2009.
Bên cạnh đó, kinh tế du lịch cũng đóng góp không nhỏ cho hợp tác phát triển kinh tế đối ngoại giữa hai tỉnh Lào Cai – Vân Nam. Các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Lào Cai nói riêng và Việt Nam nói chung đã trở thành điểm đến du lịch quốc tế của du khách Trung Quốc, hàng năm thu hút hàng vạn du khách Vân Nam. Ngược lại, ngày càng nhiều du khách Việt Nam chọn Vân Nam là nơi tham quan du lịch. Quan hệ hợp tác giữa Cục du lịch tỉnh Vân Nam với các đơn vị quản lý nhà nước về du lịch của Lào Cai cũng như một số thành phố lớn trong nước phát triển tốt đẹp.
Từ những thành quả đã đạt được trong quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa các tỉnh biên giới hai nước Việt – Trung trong những năm qua, thời gian tới hai tỉnh Lào Cai – Vân Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại; đi sâu hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy cùng nhau phát triển; cùng nhau xây dựng vùng biên giới hòa bình, hữu nghị và thịnh vượng.
Theo Dangcongsan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()