Hợp tác đưa kết quả nghiên cứu vào cuộc sống
Thương mại hóa công nghệ là khâu quan trọng trong việc đưa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Đây là vấn đề khó và phức tạp, cần có sự hợp tác của Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học và sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chức năng để xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, làm điểm tựa cho các kết quả nghiên cứu khoa học đi vào cuộc sống.
Các doanh nghiệp khoa học và công nghệ trình diễn sản phẩm. |
Các viện nghiên cứu, trường đại học là nơi chủ yếu tạo ra công nghệ, tài sản trí tuệ. Việc đưa các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ra thị trường là cầu nối giữa nhà khoa học với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đồng thời khuyến khích các nhà khoa học hình thành sản phẩm kinh doanh trên cơ sở các nghiên cứu, sáng chế.
Thời gian qua, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã lựa chọn “đổi mới, sáng tạo” là một trong ba giá trị cốt lõi của chương trình và đặt ra những tiêu chí liên quan về chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, quản trị tài sản trí tuệ, áp dụng sáng kiến, công nghệ, giải pháp mới của doanh nghiệp để xét chọn sản phẩm. Kết quả triển khai thực hiện cho thấy, xúc tiến thương mại đã đồng hành, phát triển cùng thị trường khoa học và công nghệ ở nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, kết nối cung-cầu sản phẩm khoa học và công nghệ giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học, các nhà khoa học và doanh nghiệp khoa học và công nghệ với các doanh nghiệp có nhu cầu áp dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh; tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và nước ngoài về thiết bị, công nghệ, nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước đa dạng các lĩnh vực về nông lâm thủy sản, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin, thông tin truyền thông, công nghiệp hỗ trợ…
Là cơ sở nghiên cứu hàng đầu của cả nước, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam luôn đặt mục tiêu thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ thật sự là nền tảng phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng và khả năng ứng dụng của các sản phẩm khoa học và công nghệ, đồng thời tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.
Các nhà khoa học có thể khác nhau về ngành nghề nghiên cứu, về lĩnh vực chuyên môn, về công nghệ phát triển, nhưng họ đều có chung mong muốn đưa sản phẩm, công nghệ đến với doanh nghiệp, xã hội để hợp tác hiệu quả, phát triển sản phẩm, công nghệ, đáp ứng nhu cầu ngày một khắt khe của thị trường.
Tiến sĩ Lê Thị Nhi Công, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, trước đây, chúng ta thường tiếp cận về thương mại hóa kết quả nghiên cứu một cách đơn thuần, đó là hình thành, bảo vệ ý tưởng, thương mại hóa ý tưởng nhằm tác động về kinh tế. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, cách tiếp cận này còn có nhiều thiếu sót và hạn chế trong việc hiện thực hóa tác động bền vững đến kinh tế, xã hội và môi trường.
Thực tế thời gian qua cho thấy, quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học cần sự hỗ trợ với nguồn kinh phí lớn và cơ chế tài chính linh hoạt. Hiện nay, các nguồn hỗ trợ để thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn chưa nhiều. Mặt khác, mối liên kết giữa khu vực nghiên cứu và sản xuất cũng chưa phát triển. Do vậy, việc triển khai các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ còn nhiều bất cập bởi các sản phẩm mới muốn đứng vững trên thị trường phải có sự đổi mới sáng tạo, đáp ứng đủ điều kiện tài chính.
Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, các rào cản chính đối với việc chuyển giao tri thức của các quốc gia trên thế giới phát sinh từ nút thắt về cơ chế, chính sách chuyển giao tri thức và cấp bằng sáng chế. Hầu hết các tổ chức khoa học và công nghệ chưa đề cao tầm quan trọng của việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, việc thiếu cơ chế khuyến khích các nhà nghiên cứu đăng ký bằng sáng chế và tham gia tích cực vào việc chuyển giao tri thức làm hạn chế hoạt động thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ.
Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Công tác thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đang được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức, như: Chủ sở hữu kết quả nghiên cứu, tác giả tự đầu tư khai thác, chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng sáng chế, hợp tác với các bên để khai thác, chuyển giao.
Một số mô hình đã được thành lập để thúc đẩy thương mại hóa công nghệ thông qua mô hình doanh nghiệp khởi nguồn từ trường đại học, viện nghiên cứu. Có một số viện nghiên cứu, trường đại học thiết lập được các mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp và bước đầu có lối ra cho sản phẩm nghiên cứu, mang lại lợi ích thiết thực cho các bên trong thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu.
Thí dụ, hợp tác giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông là điển hình về mô hình hợp tác hiệu quả, phát huy tốt năng lực, trí tuệ, khả năng sáng tạo để tạo ra các sản phẩm công nghệ cho thị trường. Các đơn vị, doanh nghiệp cần nghiên cứu, từng bước tiếp cận mô hình để góp phần thúc đẩy thương mại hóa công nghệ.
Ý kiến ()