Hợp tác để phát triển du lịch ở vùng đồng bằng sông Hồng
Có thể nói, vùng đồng bằng sông Hồng ẩn chứa nguồn tài nguyên du lịch rất lớn và đang được khai thác, phát huy khá hiệu quả. Đó là một trong những lợi thế cạnh tranh của vùng so với các vùng khác và được cả nước công nhận. Vùng có nhiều cảnh quan đẹp, nhiều vườn quốc gia lớn như Ba Vì, Tam Đảo, Cát Bà, Cúc Phương, Xuân Thủy, khu bảo tồn Hòn Mun; có các khu du lịch cảnh quan nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Vân Đồn. Hơn thế nữa, với vị thế là cái nôi của người Việt nên đây còn là vùng đất cổ có nhiều truyền thuyết, di tích lịch sử gắn với tâm linh người Việt như khu cố đô Hoa Lư, khu di tích thành nhà Trần, khu di tích Yên Tử, nhiều làng nghề truyền thống cùng những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với nền văn minh lúa nước của vùng châu thổ phù sa cổ đã nổi tiếng trong và ngoài nước.
Ninh Bình là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi, có lợi thế cạnh tranh đặc biệt về du lịch với định hướng trở thành trung tâm du lịch của toàn vùng. Là vùng đất cố đô, nơi phát tích của ba triều đại Đinh – Tiền Lê – Lý gần 1.050 năm trước, Ninh Bình có nhiều di tích lịch sử, văn hoá nổi tiếng như: Vườn quốc gia Cúc Phương, khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính, di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư, khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước Vân Long, nhà thờ đá Phát Diệm, sân golf… và đặc biệt là quần thể danh thắng Tràng An là di sản thiên nhiên – văn hóa thế giới. Hiện nay, lĩnh vực du lịch của tỉnh đang đứng trước giai đoạn phát triển mạnh với nhiều cơ chế, chính sách đầu tư lớn. Tỉnh hứa hẹn sẽ là địa bàn đầu tư hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư tới với các công trình, dự án về du lịch, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng cao cấp, khu vui chơi giải trí… Chúng ta có thể tin rằng, du lịch Ninh Bình cùng với các sản phẩm du lịch từ khắp các tỉnh, thành phố trong vùng rất phù hợp với chủ trương hợp tác, liên kết phát triển của các ngành dịch vụ có trình độ, chất lượng cao của toàn vùng. Đây hứa hẹn là một trong những lĩnh vực cần thiết nhất phải có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ của tất cả các tỉnh, thành phố trong vùng.
Nhìn lại nguồn tài nguyên phong phú về du lịch của cả vùng, chúng ta ghi nhận sự cố gắng của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng trong việc cùng nhau phát huy lợi thế cạnh tranh này. Chúng ta đã phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu con đường dời đô của vua Lý Công Uẩn. Đồng thời, tổ chức nhiều buổi tọa đàm trong lĩnh vực di tích lịch sử-văn hóa và danh thắng; tổ chức thành công chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch, các loại hình du lịch gắn kết các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng như tour du lịch văn hóa sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa lễ hội; cùng phối hợp tuyên truyền, quảng bá, trao đổi nghiệp vụ du lịch nhất là đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn về lữ hành, khách sạn, tin học, ngoại ngữ.
Tuy vậy, trong quá trình phát triển, nhiều tài nguyên du lịch của vùng còn chưa được khai thác có hiệu quả. Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch mặc dù đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chất lượng phục vụ còn thấp. Một số tài nguyên hấp dẫn khác mới được phát hiện trong thời gian gần đây chưa được tổ chức quản lý khai thác hiệu quả, các sản phẩm du lịch chưa thật phong phú. Điển hình nhất là còn ít tour du lịch liên tỉnh, thành phố trong vùng được đưa vào khai thác hiệu quả như tour Ninh Bình – Hạ Long – Cát Bà, Ninh Bình – Đồ Sơn – Hải Phòng, Ninh Bình – Hạ Long – Tuần Châu, Ninh Bình – Yên Tử – Đền Cửa Ông – Tuần Châu, Ninh Bình – Chùa Mía – Đền Và – Chùa Tây Phương – Chùa Thầy, Ninh Bình – Chùa Hương – Đầm Đa.
Từ thực tiễn, để du lịch thực sự trở thành mũi nhọn kinh tế của các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của mỗi tỉnh, Ninh Bình đề xuất một số giải pháp liên kết nhằm kêu gọi Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng cùng phát huy lợi thế cạnh tranh về du lịch, xây dựng vùng trở thành một trong bảy trung tâm du lịch lớn của cả nước, trong đó Ninh Bình là một trong những trọng điểm.
Thứ nhất, thường xuyên tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; nhất là kinh nghiệm phối hợp giữa Nhà nước với doanh nghiệp và nhân dân trong huy động vốn đầu tư, cùng chia sẻ hài hòa lợi ích trong quá trình đầu tư, khai thác kinh doanh. Qua trao đổi kinh nghiệm, mỗi tỉnh, thành phố có thể xây dựng chính sách riêng của mình, đồng thời cùng nhau nghiên cứu xây dựng chính sách chung của vùng phù hợp với quy định của Nhà nước. Với Ninh Bình, đề nghị Đảng và Chính phủ quan tâm hỗ trợ công tác chuẩn bị và tổ chức kỷ niệm 1.050 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế – vị Hoàng đế khai triều của Nhà nước tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ nguồn lực để đầu tư một số dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội của vùng như: tuyến đường Bái Đính – Mỹ Đình, dự án xây dựng Công viên động vật hoang dã đạt tiêu chuẩn Quốc tế.
Thứ hai, mỗi địa phương coi du lịch là một lĩnh vực kinh tế trọng điểm nên thường niên tổ chức hội nghị bàn về tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch lĩnh vực du lịch, về các giải pháp đầu tư hiệu quả đối với khu du lịch, phát triển hệ thống khách sạn, các công trình dịch vụ, công trình vui chơi giải trí, kinh nghiệm bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và phát triển các lễ hội truyền thống phục vụ du lịch. Về hợp tác đầu tư cho công tác đào tạo nâng cao trình độ quản lý và nghiệp vụ du lịch của đội ngũ cán bộ, lao động trong ngành du lịch.
Thứ ba, hằng năm vùng cần xây dựng báo cáo chung về xúc tiến phát triển du lịch, hợp tác liên kết vùng và tìm kiếm mở rộng thị trường trên cơ sở các báo cáo riêng của mỗi tỉnh, thành phố để đánh giá kết quả đạt được; xác định những yêu cầu, phương hướng hợp tác trong năm tiếp theo. Trong đó, cần nêu rõ định hướng thay đổi chiến lược sản phẩm du lịch của mỗi địa phương để vừa đa dạng hóa, khác biệt hóa vừa phối kết hợp để khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch.
Thứ tư, trong biên bản ghi nhớ chung của toàn vùng có nội dung hợp tác phát triển du lịch xứng đáng với vai trò là một ngành kinh tế liên vùng. Những tỉnh, thành phố có thế mạnh đặc biệt về du lịch nên có biên bản ghi nhớ song phương, đa phương về hợp tác phát triển với các tỉnh, thành phố khác.
Hy vọng sự liên kết vùng giữa các tỉnh đồng bằng sông Hồng tạo động lực, mở hướng phát triển mạnh “ngành công nghiệp không ống khói” nhằm giải quyết việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, khai thác có hiệu quả thế mạnh của từng địa phương nâng cao thu nhập góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Chỉ có thể liên kết vùng mới phát huy được lợi thế của mỗi địa phương. Chỉ có thể liên kết vùng, lĩnh vực du lịch, dịch vụ mới phát triển mạnh mẽ, nhờ đó hàng trăm nghìn lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Chính vì vậy cần tăng cường hơn nữa sự liên kết, hợp tác phát triển về du lịch với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng, nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của cả vùng nói chung và của Ninh Bình nói riêng.
Ý kiến ()