Hợp tác để đổi mới sáng tạo hiệu quả
Đổi mới sáng tạo được thực hiện chủ yếu bởi doanh nghiệp, doanh nhân, thông qua hoạt động nghiên cứu, phát triển, làm mới sản phẩm, thay đổi quy trình, công nghệ hoặc mô hình sản xuất, kinh doanh; từ đó tạo ra nhiều lợi ích, đóng góp cho xã hội những giá trị cao hơn. Muốn vậy, doanh nghiệp cần được kết nối chặt chẽ với các thành tố khác của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Thời gian qua, việc hợp tác giữa các tập đoàn, doanh nghiệp lớn với các dự án khởi nghiệp (start-up) bắt đầu được thực hiện. Nhiều sáng kiến, chương trình hỗ trợ cũng ra đời nhằm thúc đẩy việc tận dụng các nguồn lực trong xã hội cho đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Cùng giải quyết những thách thức cụ thể
Trước nhu cầu thay đổi cách thức bán hàng truyền thống của một tập đoàn nước ngoài tại thị trường bán lẻ Việt Nam, Công ty Kyanon Digital - một start-up trong lĩnh vực tư vấn và triển khai các giải pháp toàn diện về công nghệ đã nắm lấy cơ hội, thiết kế, cung cấp mô hình kinh doanh mới bán hàng đa kênh. Đến nay đã có khoảng 30 khách hàng trong nước và 6 tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài sử dụng giải pháp công nghệ của công ty.
Ông Huỳnh Lê Tấn Tài, Giám đốc điều hành Công ty Kyanon Digital cho biết, mô hình bán hàng đa kênh chưa có nhiều ở Việt Nam và Kyanon Digital đã giải quyết thách thức đó bằng việc xây dựng kiến trúc công nghệ tổng thể, lựa chọn, quy hoạch các thành phần công nghệ hỗ trợ mô hình chuyển đổi và tư vấn phương án khả thi cho khách hàng.
Sau một năm, giải pháp bán hàng đa kênh của Kyanon đã giúp khách hàng tăng từ 8 nghìn đến 10 nghìn đơn hàng mỗi ngày, giá trị đơn hàng tăng gấp 3 lần, tăng sự đa dạng các sản phẩm trong giỏ hàng. Sở dĩ giải quyết được bài toán của tập đoàn nước ngoài là bởi Kyanon Digital có lợi thế am hiểu thị trường trong nước, từ đó lựa chọn công nghệ và thiết kế mô hình phù hợp.
Theo bà Nguyễn Thanh Thảo, Quản lý cấp cao, Bộ phận Phát triển kinh doanh của Qualcomm và là đại diện của Chương trình Qualcomm Việt Nam Innovation Challenge (QVIC), thế mạnh của Việt Nam là có các nhà khởi nghiệp trẻ, có nền tảng quốc tế, cả học lực lẫn kinh nghiệm, tài năng, tính chiến đấu cao và ham học hỏi.
Bởi vậy, Qualcomm đã chọn Việt Nam là quốc gia thứ 3 ở châu Á, và là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á để thực hiện chương trình đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam Innovation Challenge (QVIC). Sau 4 năm, đã có 39 start-up được ươm tạo, 91 bằng sáng chế được phát triển bởi các start-up, hơn 40 triệu đô được gọi vốn đầu tư và hơn 30 sản phẩm được thương mại hóa, là những giải pháp có dấu ấn cho sự phát triển bền vững của nhân loại.
Thí dụ như RYNAN, quán quân của Chương trình Qualcomm Việt Nam Innovation Challenge năm 2023 đã xuất khẩu hệ thống giám sát côn trùng của họ qua Nhật Bản và những giải pháp nông nghiệp thông minh sang Thái Lan… Theo bà Nguyễn Thanh Thảo, Việt Nam đang thu hút sự chú ý đầu tư của các công ty công nghệ lớn quốc tế với lợi thế về nhân lực, vị trí địa lý trong chuỗi cung ứng toàn cầu và những tiềm năng phát triển cao. Nhiều tập đoàn lớn khác cũng xúc tiến phát triển các chương trình hỗ trợ cho start-up tại Việt Nam như Google, AWS, Meta, SK...
Do đó, start-up nên tận dụng cơ hội “đứng trên vai người khổng lồ”, học hỏi nhanh công nghệ những người đi trước, tận dụng các mối quan hệ đối tác khách hàng của họ để mở rộng cơ hội hợp tác và phát triển giải pháp của mình mang đẳng cấp quốc tế.
Nhiều chuyên gia nhận định, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong thời kỳ vàng của đổi mới sáng tạo, nơi nhiều chính sách, sáng kiến mở về đổi mới sáng tạo vừa ra mắt, nhất là khi Việt Nam-Hoa Kỳ đã nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó, yếu tố công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư là trụ cột mới quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Mối quan hệ hợp tác là cơ hội, tiềm năng mới để doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác, dành nguồn lực ưu tiên cho các lĩnh vực đầu tư mới, nhất là chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang đứng trước các thách thức của biến đổi khí hậu, biến động kinh tế… nhưng cũng là cơ hội cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay cần kết hợp với nguồn lực bên ngoài để nhanh chóng đạt được mục tiêu ứng phó. Doanh nghiệp cần đặt đề bài kêu gọi các bên tham gia giải quyết, hoặc thử nghiệm một mô hình đã có.
Một số chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo đang theo hướng này để giải quyết các thách thức cụ thể của doanh nghiệp như chương trình “Thách thức đổi mới sáng tạo mở chuyển đổi xanh cho nhà hàng, khách sạn”; chương trình “Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024”…
Cần sự hỗ trợ xuyên suốt
Cùng với triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, thời gian qua, có nhiều hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo như: Áp dụng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương; điều chỉnh Luật Sở hữu trí tuệ để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo; ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đổi mới sáng tạo; khánh thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và triển khai các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại 20 địa phương...
Tuy nhiên, vẫn có những trở ngại từ chính sách khiến sản phẩm công nghệ của start-up chưa đến được với doanh nghiệp. Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Nhựa sinh học BUYO cho biết, sản phẩm nhựa sinh học BUYO giành ngôi quán quân của Cuộc thi Tìm kiếm tài năng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2023, được thị trường châu Âu đón nhận nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp trong nước sử dụng do thiếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang sử dụng vật liệu nhựa sinh học để giảm chi phí.
Theo bà Nguyễn Thanh Thảo, tuy đã có các tập đoàn cùng chung tay thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam, nhưng để phát triển toàn diện hơn, không thể thiếu sự hỗ trợ xuyên suốt của Chính phủ với các định hướng, quy định rõ ràng nhằm tạo điều kiện cho các start-up, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể phát triển và chứng minh tính khả thi của sản phẩm tại chính quê hương mình, trước khi ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, cần có các liên minh của các nhóm ngành, hiệp hội phát triển liên ngành để bảo đảm tính liên kết và phát triển bền vững cho cả hệ sinh thái trong dài hạn.
Ông Phạm Hồng Quất cũng cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo mở thông qua các giải pháp như chính sách thuế, chính sách ưu đãi cho hoạt động hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm, mua sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Về mặt hoạt động, cần nâng cao nhận thức, khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi tư duy, tăng cường hợp tác với các chủ thể trong hệ sinh thái, nhất là trong các hoạt động R&D, thương mại hóa, đổi mới sáng tạo; khuyến khích các cơ quan quản lý ở địa phương, trung ương tiên phong đặt hàng, công bố các thách thức để cộng đồng chung tay giải quyết.
Từ thực tiễn kết nối cho doanh nghiệp, tập đoàn với các start-up, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP cho biết, vẫn còn sự ngại ngần của các doanh nghiệp, tập đoàn khi tiếp cận và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Nguyên nhân do cấu trúc tổ chức phức tạp thường làm chậm trễ quá trình ra quyết định và triển khai các ý tưởng mới. Nỗi sợ thất bại hay lo ngại thiếu nguồn lực, cả về tài chính, nhân lực và thời gian cũng là rào cản đối với việc thực hiện đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, văn hóa tổ chức truyền thống và tinh thần thiếu kiên định ở những người lãnh đạo cũng góp phần giảm hàm lượng đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, tập đoàn.
Hơn nữa, một trong những thách thức lớn khi doanh nghiệp, tập đoàn tiếp cận đổi mới sáng tạo là thiếu những nền tảng trung gian giúp tiếp cận và tương tác với các nguồn lực cộng đồng một cách hiệu quả. Ngoài ra, thiếu các công cụ đánh giá và quản lý, thiếu tính bảo mật cũng là một trong những điều khiến doanh nghiệp, tập đoàn lo ngại khi thực hiện các dự án đổi mới, gây nguy cơ cho uy tín của doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Lê Tấn Tài, Giám đốc điều hành Công ty Kyanon Digital nhận định, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc gặp quá nhiều công ty khởi nghiệp nhưng không đúng nhu cầu của doanh nghiệp, do đó, cần có những đơn vị tư vấn tổng thể làm cầu nối để doanh nghiệp cởi mở lắng nghe.
Để giải quyết những thách thức này, việc sử dụng các nền tảng trung gian phù hợp là rất quan trọng, giúp tăng cường sự minh bạch, công bằng và tương tác giữa doanh nghiệp và cộng đồng, bảo đảm tính bảo mật và quản lý thông tin hiệu quả. Đồng thời, để giúp các doanh nghiệp trở nên chủ động hơn trong việc đặt hàng và ra các đầu bài cho start-up, doanh nghiệp cần xây dựng chặt chẽ chiến lược, năng lực kiến thức, kỹ năng cần thiết cho đổi mới và quy trình thực hiện đổi mới sáng tạo, từ đó doanh nghiệp sẽ có khả năng đưa ra những yêu cầu phù hợp với mục tiêu của họ, đồng thời cung cấp một quy trình làm việc chặt chẽ và hiệu quả với các đối tác bên ngoài nhằm tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo.
Ý kiến ()