Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào ngày càng phát triển
Lễ khởi công xây dựng Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Át-ta-pư. Hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - Lào được lãnh đạo hai nước quan tâm và khuyến khích. Mấy năm gần đây, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào diễn ra ngày càng tăng kể cả về tổng vốn đầu tư lẫn quy mô các dự án.Một số dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, bước đầu đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội các địa phương Lào và tăng cường mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.Điển hình của đầu tư nước ngoài tại LàoTrong thập niên 2001-2010, dòng vốn của các doanh nghiệp Việt Nam - trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế đầu tư sang Lào tăng mạnh và luôn chiếm vị trí cao trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào. Tính đến đầu năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào Lào hơn 400 dự án với tổng số vốn khoảng 3,6 tỷ USD, trong đó vốn đối ứng của Lào đạt khoảng 240 triệu USD, đưa Việt Nam...
Lễ khởi công xây dựng Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Át-ta-pư. |
Một số dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, bước đầu đóng góp vào việc phát triển kinh tế – xã hội các địa phương Lào và tăng cường mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào.
Điển hình của đầu tư nước ngoài tại Lào
Trong thập niên 2001-2010, dòng vốn của các doanh nghiệp Việt Nam – trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế đầu tư sang Lào tăng mạnh và luôn chiếm vị trí cao trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào. Tính đến đầu năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào Lào hơn 400 dự án với tổng số vốn khoảng 3,6 tỷ USD, trong đó vốn đối ứng của Lào đạt khoảng 240 triệu USD, đưa Việt Nam đứng ở hàng thứ hai trong số 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có doanh nghiệp đầu tư tại Lào và Lào là nước thu hút nhiều nhất vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam.
Hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực dịch vụ; thủy điện; trồng cây công nghiệp và chế biến lâm sản, nông sản; khai khoáng. Ở lĩnh vực dịch vụ, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư tổng vốn lên hơn 1,07 tỷ USD, trong đó dự án nổi bật nhất là dự án đầu tư Sân gôn Viêng Chăn – Long Thành và bất động sản khu vực Đông Phô Xỉ có giá trị đầu tư một tỷ USD, được coi là dự án đầu tư lớn nhất của các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào hiện nay. Các dự án trong lĩnh vực thủy điện có tổng vốn đầu tư gần 900 triệu USD. Trong lĩnh vực nông và lâm nghiệp, tổng giá trị đầu tư khoảng 800 triệu USD. Nhìn chung các dự án trong lĩnh vực này, nhất là các dự án trồng cây công nghiệp, được các doanh nghiệp Việt Nam triển khai đúng tiến độ; một số dự án trồng cây cao-su đã bắt đầu cho dòng sản phẩm đầu tiên như các dự án của Công ty cổ phần Cao-su Việt – Lào, Công ty Cao-su Dầu Tiếng, Tập đoàn Hoàng Anh – Gia Lai,… Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, một số dự án đầu tư quy mô tương đối lớn đã hoàn thành giai đoạn thăm dò, khảo sát và đang chuẩn bị tiến hành khai thác, chế biến.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước CHDCND Lào đánh giá, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào hoạt động có chất lượng tốt, đã góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, tạo việc làm cho người dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo cho cư dân vùng dự án như: Công ty Hoàng Anh – Gia Lai đã đầu tư xây dựng bệnh viện, trường học, cầu đường… trị giá khoảng 40 triệu USD; Công ty Đầu tư Sài Gòn tài trợ 100 suất học bổng cho sinh viên Lào sang học tại các trường đại học Việt Nam; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã giúp xây dựng một trường học ở tỉnh Hủa-phăn trị giá một triệu USD; Công ty gôn Long Thành đã hỗ trợ các cơ quan của Lào 3,6 triệu USD;… Bộ Kế hoạch và Đầu tư CHDCND Lào cũng nhìn nhận rằng đầu tư của Việt Nam trong thời điểm hiện tại sẽ tạo tiền đề cho việc hình thành ngành công nghiệp chế biến trong tương lai của Lào, trong đó có các cơ sở công nghiệp chế biến, như nhà máy chế biến cao-su, nhà máy đường, nhà máy phân vi sinh…
Thực tiễn ở Át-ta-pư
Vừa qua, chúng tôi tới thăm tỉnh Át-ta-pư, một tỉnh nghèo ở nam Lào, với diện tích 10.320 km2, cơ sở hạ tầng kém; dân cư thưa thớt, năm 1975 có hơn 50 nghìn người và hiện nay ước chừng khoảng 200 nghìn người. Thị trấn Át-ta-pư vừa là huyện lỵ của huyện Xa-ma-khi-xay, vừa là tỉnh lỵ của Át-ta-pư, đang trở thành một công trường xây dựng lớn. Hầu hết các tuyến đường trong thị trấn đều được mở rộng. Một số tuyến đường chính đã được lắp đèn chiếu sáng. Một hội trường lớn, một khách sạn hạng trung, một bệnh viện 200 giường và một số cơ sở dịch vụ khu trung tâm đã được đưa vào hoạt động. Một số khách sạn, nhà nghỉ đang được sửa chữa chờ cơ hội đón khách. Tất cả điều đó đã tạo nên dáng vẻ mới cho tỉnh. Trong đó có sự đầu tư của Tập đoàn Hoàng Anh – Gia Lai vào Át-ta-pư. Theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn, sau nhiều lần nghiên cứu, tập đoàn nhận thấy Át-ta-pư tuy còn thiếu thốn đủ bề, nhưng là tỉnh có nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, có thể đầu tư trồng cây công nghiệp, khai thác thủy điện, khoáng sản. Từ năm 2007, tập đoàn quyết định đầu tư vào Át-ta-pư nhiều nhất so với các địa phương khác của Lào. Đến nay, tập đoàn đã đầu tư vào tỉnh này các lĩnh vực thủy điện, cây cao-su, mía đường, sân bay và đầu tư ở các địa phương khác với tổng vốn gần một tỷ USD. Riêng cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Át-ta-pư với tổng vốn đầu tư một trăm triệu USD, khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng bốn nghìn lao động, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Át-ta-pư. Nhưng có một vấn đề được nhiều người quan tâm là hiệu quả đầu tư và sự hưởng lợi của người dân địa phương còn tùy thuộc vào năng lực tiếp nhận đầu tư của họ. Về vấn đề này, chúng tôi gặp anh Lết Xây-nha-phôn, một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện Xa-ma-khi-xay, đang tất bật với việc xây dựng, chỉnh trang thị trấn. Anh cho biết: Tỉnh Át-ta-pư, trong đó có huyện Xa-ma-khi-xay đang tích cực kêu gọi đầu tư. Tỉnh cũng đã đầu tư một khoản ngân sách lớn để phát triển cơ sở hạ tầng công cộng để thu hút đầu tư. Mặt khác, chúng tôi cùng người dân cũng phải phấn đấu dần dần nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng lao động mới có thể tiếp nhận được sự đầu tư của các doanh nghiệp có hiệu quả nhất. Anh cũng bộc bạch, từ khi Tập đoàn Hoàng Anh – Gia Lai đầu tư vào Át-ta-pư, bộ mặt của tỉnh thay đổi từng ngày. Đây là địa phương có tiềm năng lớn về thu hút đầu tư, cũng là tỉnh trong tam giác phát triển Cam-pu-chia – Lào – Việt Nam. Hy vọng, Át-ta-pư sẽ bước nhanh trên đường phát triển.
Theo Nhandan
Ý kiến ()