Hợp tác công - tư: Kênh huy động vốn đầu tư mới để phát triển kết cấu hạ tầng
Kết cấu hạ tầng được coi là điều kiện tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, mặc dù vấn đề này được quan tâm đầu tư phát triển trong hai thập kỷ qua, nhưng nhìn chung hệ thống kết cấu hạ tầng ở Việt Nam còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước trong khi nguồn lực này lại hạn chế do quy mô nền kinh tế của nước ta còn nhỏ. Đồng thời, ở nước ta vẫn còn thiếu những chính sách để thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng. Để tạo bước đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đòi hỏi phải có một lượng vốn lớn. Theo Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước giai đoạn 2011-2020, nhu cầu đầu tư cho phát triển hạ...
Kết cấu hạ tầng được coi là điều kiện tiền đề để phát triển kinh tế – xã hội. Thời gian qua, mặc dù vấn đề này được quan tâm đầu tư phát triển trong hai thập kỷ qua, nhưng nhìn chung hệ thống kết cấu hạ tầng ở Việt Nam còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước trong khi nguồn lực này lại hạn chế do quy mô nền kinh tế của nước ta còn nhỏ. Đồng thời, ở nước ta vẫn còn thiếu những chính sách để thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng. Để tạo bước đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đòi hỏi phải có một lượng vốn lớn. Theo Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước giai đoạn 2011-2020, nhu cầu đầu tư cho phát triển hạ tầng cần khoảng 385-395 tỷ USD (chưa kể nhu cầu đầu tư cho hạ tầng văn hoá, thể thao, du lịch, thương mại,…). Nếu giữ tỷ lệ đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội như hiện nay, thì mức huy động được khoảng 210-215 tỷ USD, mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng theo quy hoạch.
Kênh huy động vốn đầu tư mới
Việc huy động vốn từ các nguồn vốn nhà nước như hiện nay cho phát triển kết cấu hạ tầng như ngân sách nhà nước (bao gồm cả ODA), doanh nghiệp nhà nước và trái phiếu chính phủ sẽ khó có thể đáp ứng đủ, do đầu tư bằng ngân sách nhà nước bị khống chế bởi mức trần bội chi ngân sách cũng như hạn mức nợ quốc gia trong trường hợp vay ODA. Hơn nữa, ODA cũng như các khoản vay ưu đãi từ các định chế tài chính sẽ có xu hướng giảm dần do Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Trước bối cảnh đó, huy động vốn đầu tư tư nhân cho phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam thời gian qua theo hình thức theo Hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), BTO (xây dựng – chuyển giao – kinh doanh) và BT (xây dựng – chuyển giao) cũng đã được thực hiện, góp phần đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư và trở thành một trong những mô hình đối tác đầu tư có hiệu quả giữa Nhà nước và khu vực tư nhân trong phát triển kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, các hình thức này đã bộ lộ một số hạn chế như: chi phí đầu tư lớn, độ rủi ro cao, khả năng thu hồi vốn thấp, thời gian đàm phán kéo dài, nhiều dự án thi công chậm tiến độ dẫn đến điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, những dự án BT thực hiện “đổi đất lấy công trình” chưa mang lại lợi ích như kỳ vọng của Nhà nước.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H) |
Trước nhu cầu vốn lớn, khả năng đáp ứng hạn chế từ các nguồn vốn Nhà nước, một số hình thức huy động vốn đầu tư tư nhân nói trên còn hạn chế cho phát triển kết cấu hạ tầng, thì hợp tác công – tư (một hình thức đầu tư trong đó khu vực công và khu vực tư trở thành đối tác của nhau, cùng tham gia đầu tư thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội để cung cấp dịch vụ công) trở thành một trong những kênh huy động vốn đầu tư quan trọng từ khu vực kinh tế tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng tại Việt Nam. Triển khai hợp tác công – tư (PPP) sẽ giúp chia sẻ rủi ro một cách hợp lý giữa Nhà nước và tư nhân, tăng cường trách nhiệm quản lý, tối ưu hoá cơ sở hạ tầng, dự án được chuẩn bị tốt hơn, tăng tính giải trình và minh bạch trong chi phí đầu tư,… Trước hiệu quả của mô hình này, hiện nay trên thế giới đã có hơn 100 quốc gia triển khai thực hiện.
Để triển khai thực hiện PPP, ngày 9/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm đầu tư theo hình thức “Đối tác công – tư”. Theo Quyết định này, một số nguyên tắc huy động vốn cơ bản như thu hút được vốn đầu tư của khu vực tư nhân trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; vốn của khu vực tư nhân tham gia các dự án PPP theo nguyên tắc không dẫn đến nợ công; có phần tham gia của Nhà nước trong các dự án thông qua các biện pháp khác nhau nhằm tăng tính khả thi của dự án; và, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP trên cơ sở cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế, phù hợp với pháp luật Việt Nam, theo tập quán và thông lệ quốc tế.
Cần ra sức nâng cao tính hiệu quả PPP
Triển khai thí điểm PPP theo Quyết định 71, trong thời gian qua đã tạo được một số kết quả bước đầu. Đã có 30 dự án được đề xuất thí điểm với tổng vốn đầu tư trên 20 tỷ USD, trong đó có 10 dự án đường cao tốc, 4 dự án giao thông đô thị, 3 dự án hạ tầng đô thị, 3 dự án thuộc lĩnh vực điện, 4 dự án nước, 3 dự án liên quan đến lĩnh vực cảng, 1 dự án sân bay và 2 dự án phát triển y tế. Điểm đáng chú ý, PPP được một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)… quan tâm, hỗ trợ kỹ thuật hoặc cung cấp khoản vay… Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện chỉ có 5 dự án thí điểm đầu tiên được ưu tiên lựa chọn là Dự án xây dựng đường vành đai 4 (Hà Nội), Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc trên cao số 1 (TP. Hồ Chí Minh), Dự án xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch sông Hậu 1, Dự án đầu tư xây dựng đường nối Hạ Long – Hải Phòng, Dự án cầu Nguyệt Viên (Thanh Hóa). Và, qua đánh giá, đã có 2 dự án là Dự án xây dựng đường vành đai 4 (Hà Nội), Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc trên cao số 1 (TP.Hồ Chí Minh) không có tính khả thi, 3 dự án còn lại đang được tiếp tục xem xét. Mặt khác, việc quy định về giá trị phần tham gia của Nhà nước trong những dự án thực hiện theo hình thức PPP hiện nay không quá 30% tổng vốn dự án đang là một trong vấn đề gây nghẽn trong hình thức đầu tư này… Điều này cho thấy, một số quy định của Quyết định 71 chưa tạo được nền tảng pháp lý đủ mạnh và thu hút được sự tham gia của khối tư nhân như tỷ lệ mức trần tham gia của Nhà nước chưa linh hoạt, thẩm quyền quyết định phần tham gia của Nhà nước, một số tiêu chí lựa chọn dự án, nhà đầu tư, phân chia rủi ro, quản lý…
Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình Bùi Văn Nam (bên trái) giới thiệu với lãnh đạo Báo điện tử ĐCSVN bản đồ quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Ảnh: Đ.H) |
Nhìn chung, việc huy động vốn thông qua hình thức PPP thời gian qua còn hạn chế vì một số lý do chính như thí điểm PPP tại Việt Nam diễn ra trong bối cảnh nguồn lực đầu tư tư nhân cũng như các định chế tài chính bị ảnh hưởng đáng kể bởi suy thoái kinh tế toàn cầu và khủng hoảng nợ công tại châu Âu. Thiếu hệ thống các hướng dẫn cụ thể về PPP, các quyết định về hình thức đầu tư vào công trình kết cấu hạ tầng có sự tham gia của khu vực tư nhân tại Việt Nam còn chưa thống nhất. Các điều kiện cần thiết để triển khai PPP chưa sẵn sàng như Quỹ chuẩn bị dự án (PDF), Quỹ bù đắp để đảm bảo tính khả thi của dự án PPP (VGF), cơ chế tham gia của các định chế tài chính; năng lực triển khai PPP của các bộ, ngành và địa phương vẫn còn hạn chế… Do vậy, trong thời gian tới, cần xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Quyết định 71, hoặc xây dựng văn bản pháp lý cao hơn nhằm hoàn thiện cơ chế của hình thức đầu tư PPP.
Để nâng cao hiệu quả mô hình PPP, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chức năng đầu mối quản lý các hoạt động về PPP. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo về đầu tư theo hình thức PPP được thành lập theo Quyết định số 1624/QĐ-TTg ngày 29/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đánh giá sơ bộ tính phù hợp của một số đề xuất dự án từ các bộ, ngành và địa phương. Tiếp tục xây dựng và ban hành các hướng dẫn cụ thể việc triển khai PPP. Triển khai việc tăng cường năng lực về các khâu của quá trình đầu tư PPP cho các cơ quan, tổ chức có liên quan; thiết lập các cơ chế hỗ trợ như Quỹ PDF, Quỹ VGF, Quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng, trái phiếu công trình…. Lựa chọn thực hiện thí điểm các dự án có khả năng thu hồi vốn tốt để từng bước đưa việc triển khai PPP vào thực tiễn như Dự án đường liên cảng huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai); Dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyệt Viên (Thanh Hoá); Dự án Cảng cạn Lao Bảo (Quảng Trị); Dự án Cảng hậu cần Đông Hà (Quảng Trị)… Tiếp tục đẩy mạnh sự ủng hộ và hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế trong việc huy động vốn thông qua PPP…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()