Hợp tác chiến lược vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực
Đại tướng Phùng Quang Thanh Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng Ngày 12-10-2010, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM ) lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Bộ trưởng Quốc phòng và đại diện Bộ trưởng Quốc phòng của 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại của ASEAN gồm Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Di-lân, Nga, Hoa Kỳ cùng Tổng Thư ký ASEAN sẽ tham dự hội nghị. Hội nghị ADMM lần đầu tiên sẽ là một sự kiện quan trọng, là điểm nhấn của năm ASEAN Việt Nam với chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động".Ý tưởng về Hội nghị ADMM đã được đề cập ngay từ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ nhất năm 2006, đó là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn với các nước bên ngoài Hiệp hội. Mục tiêu thu hút thêm kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn từ các nước bên ngoài nhằm đối phó hiệu quả với thách thức an ninh phi truyền...
Ý tưởng về Hội nghị ADMM đã được đề cập ngay từ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ nhất năm 2006, đó là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn với các nước bên ngoài Hiệp hội. Mục tiêu thu hút thêm kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn từ các nước bên ngoài nhằm đối phó hiệu quả với thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên cũng như tranh thủ sự ủng hộ và đóng góp của các nước bên ngoài cho quá trình xây dựng thành công Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN, ý tưởng về Hội nghị ADMM đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các nước thành viên ASEAN. Việc thiết lập Hội nghị ADMM luôn là một nội dung trong chương trình nghị sự của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN trong các Hội nghị ADMM sau đó. Những vấn đề như khái niệm về ADMM và nguyên tắc kết nạp thành viên ADMM đã được thông qua tại Hội nghị ADMM lần thứ hai và Hội nghị ADMM lần thứ ba.
Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban quốc gia về ASEAN 2010, Bộ Quốc phòng đã có các bước chuẩn bị tích cực từ rất sớm cho năm 2010 khi Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch ADMM, ngay sau khi Hội nghị ADMM lần thứ ba kết thúc vào đầu năm 2009. Bộ Quốc phòng đã xác định sẽ tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến hợp tác đang được triển khai của ADMM, đặt trọng tâm thúc đẩy và hướng tới hiện thực hóa tiến trình ADMM .
Trong quá trình này, Việt Nam với cương vị chủ nhà đã phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN, thảo luận và đi tới đồng thuận những vấn đề rất quan trọng nhằm hình thành ADMM . Kết quả là tại Hội nghị ADMM-4 tổ chức vào tháng 5-2010 tại Hà Nội, các nước ASEAN đã đi tới thống nhất về vấn đề cơ cấu và thành phần của ADMM . Các nước ASEAN đã đồng thuận với nhau về cơ cấu ban đầu của ADMM là ADMM 8 với thành phần là 10 nước ASEAN và tám nước đối tác đối thoại gồm
Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Di-lân, Nga, Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, ADMM-4 cũng đồng thuận về thể thức và thủ tục của ADMM , trong đó quy định các nguyên tắc chỉ đạo cơ chế vận hành ADMM như thủ tục kết nạp thành viên, tần suất hội nghị, chương trình nghị sự và chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của các cơ chế hỗ trợ trong khuôn khổ ADMM … Như vậy với kết quả của ADMM-4, sau bốn năm, sáng kiến về thiết lập ADMM đã có đầy đủ các cơ sở pháp lý để được triển khai thực hiện trên thực tế. Điều này thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực chung và sự sẵn sàng của các thành viên ADMM trong thúc đẩy và mở rộng hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh. Những nỗ lực và đóng góp tích cực của Việt Nam trong thúc đẩy tiến trình ADMM đã được các nước trong khu vực và quốc tế ủng hộ và đánh giá cao. Hội nghị ADMM-4 cũng đã đồng ý Việt Nam tổ chức Hội nghị ADMM lần đầu tiên. Đây là một vinh dự, khẳng định vai trò, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trong khu vực.
ADMM ra đời với vai trò chủ đạo của ASEAN sẽ là một cơ chế tham vấn và hợp tác cấp Bộ trưởng Quốc phòng giữa ASEAN và các nước đối tác đối thoại. Cơ chế này một mặt sẽ thúc đẩy đối thoại chiến lược thông qua chia sẻ quan điểm về các vấn đề quốc phòng, an ninh, tự nguyện thông báo về chính sách quốc phòng nhằm xây dựng lòng tin, sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, mặt khác quan trọng hơn là cơ chế này sẽ thúc đẩy sự hợp tác thiết thực thông qua chia sẻ và kết hợp nguồn lực giữa các nước thành viên nhằm đối phó hiệu quả hơn với các thách thức an ninh phi truyền thống. Với vai trò như vậy, ADMM sẽ là cơ chế đầy tiềm năng và triển vọng để đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.
Với cương vị chủ nhà của ADMM , Bộ Quốc phòng đã cử các đoàn đi tham vấn các nước, đặc biệt là các nước ADMM ngoài ASEAN. Kết quả của các cuộc tham vấn cho thấy, các nước ADMM ngoài ASEAN đều có đồng thuận, sẵn sàng tham gia và đóng vai trò tích cực cho ADMM .
ADMM lần đầu tiên sẽ được tổ chức vào ngày 12-10-2010 tại Hà Nội. Chủ đề của Hội nghị là 'ADMM : Hợp tác chiến lược vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực'. Tại Hội nghị này, các Bộ trưởng Quốc phòng 18 nước sẽ chia sẻ quan điểm về các vấn đề an ninh phi truyền thống và thảo luận về tiềm năng triển vọng và định hướng hợp tác thiết thực trong khuôn khổ ADMM . Các Bộ trưởng sẽ cam kết đối với mục tiêu chính trị cao nhất của ADMM , đó là vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng sẽ khẳng định các nguyên tắc, cơ chế vận hành của ADMM , xác định những lĩnh vực ưu tiên hợp tác cũng như đề ra những phương hướng chính cho sự hợp tác thiết thực trong thời gian tới. Trong thời gian tham dự Hội nghị, các Bộ trưởng Quốc phòng còn có các cuộc tiếp xúc song phương để thúc đẩy và tăng cường các mối quan hệ quốc phòng giữa các nước. Hội nghị cũng sẽ được các phương tiện truyền thông và báo chí trong và ngoài nước rất quan tâm và đưa tin rộng rãi. Trong dịp này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ thăm chính thức Việt Nam.
ADMM lần đầu tiên được tổ chức đúng vào dịp Hà Nội tưng bừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây là dịp để các đoàn khách quốc tế thấy được về một đất nước Việt Nam với truyền thống lâu đời, tinh thần yêu chuộng hòa bình và sự phát triển năng động; về con người Việt Nam cởi mở, thân thiện và mến khách.
Hội nghị ADMM lần đầu tiên sẽ khép lại một năm Chủ tịch ADMM hiệu quả và thành công của Việt Nam. Thông qua đăng cai tổ chức thành công các Hội nghị, Việt Nam một lần nữa khẳng định với bạn bè khu vực và quốc tế về chính sách đối ngoại rộng mở, chủ động hội nhập khu vực và quốc tế của chúng ta, đồng thời thể hiện một vai trò đầy trách nhiệm của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN cũng như ADMM trong việc thúc đẩy và mở rộng hợp tác trong khu vực và với các đối tác bên ngoài vì lợi ích chung của ASEAN cũng như các nước đối tác.
Theo Nhandan
Ý kiến ()