Hợp tác ASEAN - EU hướng tới thành phố xanh, thông minh
Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách Thỏa thuận xanh châu Âu Frans Timmermans mới đây công bố khởi động chương trình Thành phố xanh thông minh ASEAN. Với kinh phí 5 triệu euro do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, chương trình này sẽ góp phần bảo đảm phát triển đô thị bền vững tại các nước thành viên ASEAN.
Chương trình Thành phố xanh thông minh ASEAN được công bố sau cuộc gặp của Phó Chủ tịch điều hành EC F.Timmermans với Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta của Indonesia. Hai bên trao đổi về chương trình nêu trên, cũng như nhu cầu khởi động chiến lược năng lượng sạch, đẩy mạnh hỗ trợ tài chính…
Theo thống kê của chương trình Thành phố xanh thông minh ASEAN, hiện có hơn 300 triệu người đang sinh sống tại các thành phố của ASEAN và dự kiến con số này có thể tăng thêm 100 triệu người trong 15 năm tới. Cùng với tốc độ đô thị hóa hiện nay, các nước thành viên ASEAN đang chứng kiến kinh tế tăng trưởng nhanh, cũng như sự trao đổi, chuyển dịch mạnh mẽ của dân cư, hàng hóa, dịch vụ và nguồn vốn giữa các thành phố, các quốc gia thành viên ASEAN. Tuy nhiên, đô thị hóa cũng gây quá tải cho cơ sở hạ tầng, mất an sinh xã hội, ô nhiễm môi trường… ở các thành phố lớn. Trong buổi công bố chương trình, khẳng định tin tưởng vào hợp tác EU – ASEAN, Phó Chủ tịch điều hành EC F.Timmermans nhấn mạnh, có cơ hội để tìm ra giải pháp cho các thành phố đang đối mặt các thách thức về môi trường.
Chương trình Thành phố xanh thông minh ASEAN sẽ hỗ trợ các nước thành viên của Hiệp hội ứng phó các tác động tiêu cực của đô thị hóa bằng các giải pháp xanh, thông minh thông qua số hóa và ứng dụng công nghệ. Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, chương trình sẽ thúc đẩy quá trình đô thị hóa bền vững hơn, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường và phát thải carbon. Theo ông F.Timmermans, sự phát triển bền vững của các thành phố này phụ thuộc vào khả năng chuyển đổi năng lượng, thay đổi cách thức tổ chức giao thông công cộng, cải thiện quá trình xử lý và quản lý chất thải.
Với sự tài trợ của EU, chương trình này sẽ hỗ trợ 10 thành phố thuộc các nước ASEAN trao đổi kinh nghiệm thực tiễn với nhau cũng như với các thành phố ở châu Âu trong khuôn khổ quan hệ đối tác xanh EU – ASEAN. Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ hỗ trợ những vấn đề về kỹ thuật với sự giúp đỡ của các chuyên gia; thúc đẩy các sáng kiến, kế hoạch thí điểm; tổ chức diễn đàn cấp quốc gia, khu vực.
Chương trình sẽ được triển khai kết hợp với các sáng kiến hiện có tại các nước thành viên như: Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN, Chiến lược đô thị hóa bền vững ASEAN, Sáng kiến ASEAN về thành phố bền vững về môi trường… Trong đó, có Dự án thay đổi thông minh do EU tài trợ nhằm thúc đẩy hợp tác giữa thành phố Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan) và Berlin (Đức).
Chương trình Thành phố xanh thông minh ASEAN, cũng như các sáng kiến đang được thực hiện, được kỳ vọng sẽ tăng cường mạng lưới thành phố thông minh, phát triển bền vững tại các nước thành viên của Hiệp hội; đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ ASEAN – EU trong thời gian tới.
Ý kiến ()