Hợp lực chuyển đổi số để phát triển kinh tế số
Báo cáo “E-Conomy SEA 2021” do Tập đoàn Google, Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore) phối hợp công bố cho thấy, nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, đóng góp hơn 5% GDP của cả nước, cao gấp 7 lần năm 2015, và dự kiến đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực Ðông Nam Á (tốc độ tăng trưởng khoảng 29% một năm).
Ðiều đó chỉ ra rằng, nước ta đang đứng trước cơ hội vàng để thúc đẩy nền kinh tế internet, đặc biệt là các nền tảng chuyển đổi số, trong kinh tế số. Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP và đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP… Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số; đồng thời, chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia.
Hiện các bộ, ngành đang nỗ lực chuyển đổi số hướng đến mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đến năm 2025 đạt tối thiểu 20%. Có những ngành khá thuận lợi, nhưng có những ngành, như nhóm ngành, nghề truyền thống lại có nhiều khó khăn. Do vậy, công tác chuyển đổi số phải lấy sự đoàn kết, chia sẻ, kết nối làm trọng tâm. Người dân, doanh nghiệp cần có sự hợp lực, đoàn kết để chung tay thực hiện mục tiêu đưa tỷ trọng kinh tế số phát triển. Ở các địa phương thuận lợi như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay những địa phương khác khó khăn như Hà Giang, Bình Phước vẫn đang phát triển kinh tế số dựa trên thế mạnh của mình.
Trong hai năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp có sự thay đổi nhanh và chuyển đổi số đã tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu, trở thành nguồn lực cho kinh tế số phát triển, mở ra không gian phát triển mới. Ðây vừa là cơ hội vừa là thách thức, bởi vì có được dữ liệu đã khó, làm thế nào để khai thác chúng là một thách thức cho các địa phương, doanh nghiệp. Dữ liệu một lần nữa sẽ mở ra cơ hội phát triển cho nước ta, một quốc gia có số dân đông, cùng với số lượng doanh nghiệp nhiều và đang tăng trưởng rất nhanh trong thời gian qua.
Sau hai năm thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, sự chuẩn bị đã dần được hoàn thiện. Ðến nay, hầu hết các cơ quan và địa phương đã có chương trình, kế hoạch chuyển đổi số. Nhận thức về chuyển đổi số đã và đang được nâng cao, phổ biến một cách rõ rệt trong tất cả các cơ quan, chính quyền các cấp, cũng như hầu hết thành phần của nền kinh tế. Các cơ sở dữ liệu quốc gia đang hình thành và phát triển nhanh, từ dữ liệu dân cư đến dữ liệu doanh nghiệp, đất đai, bảo hiểm… Chuyển đổi số đã và đang tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu, trở thành nguồn lực cho kinh tế số phát triển, mở ra không gian phát triển mới cho đất nước.
Tuy nhiên, không gian phát triển mới của Việt Nam đang bị phân tán, thiếu sự quy hoạch, hay sự kết hợp một cách bài bản. Dữ liệu phân tán và chưa có được mức độ mở phù hợp, nguồn nhân lực, tài lực cho chuyển đổi số chưa được tập trung; các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số của các doanh nghiệp đang phát triển một cách tràn lan, chưa có quy hoạch, kết hợp một cách bài bản, có định hướng.
Kinh nghiệm từ các nước sớm ban hành chiến lược, chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số cho thấy, để phát triển kinh tế số nhanh cần hợp lực của cả hệ thống, các bộ, ngành, địa phương và nhất là cộng đồng doanh nghiệp. Tại Việt Nam có đến 95% số doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc chuyển đổi số ở khối doanh nghiệp mặc dù nhanh, nhưng nền tảng và nội lực còn khiêm tốn; chi phí, cơ hội tiếp cận còn khó khăn, do đó doanh nghiệp làm công nghệ thông tin và chuyển đổi số cần có quyết tâm tiếp cận được khách hàng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tham gia thúc đẩy nền kinh tế. Các doanh nghiệp công nghệ số đang nỗ lực phát triển nền tảng, giải pháp chuyển đổi số chất lượng, đầu tư nghiên cứu và đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới: AI, blockchain… và đang nỗ lực hợp lực cùng nhau, xây dựng hệ sinh thái số giúp chuyển đổi số cho các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp. Doanh nghiệp cam kết và luôn sẵn sàng hợp lực cùng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương để phát triển kinh tế số, tăng tốc chuyển đổi số.
Theo Nhandan
Ý kiến ()