Họp khẩn ứng phó với siêu bão Mangkhut
LSO-Chiều nay (14/9), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến với 27 tỉnh, thành từ khu vực Bắc Bộ đến Nghệ An về công tác ứng phó với siêu bão Mangkhut. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Tại điểm cầu Lạng Sơn, dự hội nghị có đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn
Siêu bão Mangkhut với cường độ cấp 17 đang hoạt động ở vùng biển phía Đông Philippin và bắt đầu ảnh hưởng đến Ludong; dự báo sẽ đi vào Đông Bắc biển Đông trong sáng ngày 15/9 với sức gió cấp 14-15, giật cấp 17; có khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta vào thứ 2, ngày 17/9. Vùng bị ảnh hưởng trực tiếp là khu vực Bắc Bộ đến Nghệ An, cường độ của bão rất mạnh và gây mưa lớn. Để triển khai phòng chống bão trong thời gian tới, đối với các tỉnh, thành ở mỗi khu vực cần tập trung triển khai những giải pháp phòng, chống cụ thể.
Đối với khu vực miền núi (trong đó có Lạng Sơn), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh triển khai ngay các tổ đội xung kích tại các thôn, bản kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh; đảm bảo thông tin liên lạc, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, sẵn sàng phương tiện để khắc phục giao thông khẩn cấp với các khu vực có nguy cơ bị chia cắt; tổ chức cắm biển cảnh cáo, tuần tra, canh gác các khu vực ngầm tràn; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương cần chủ động xây dựng phương án ứng phó, chú trọng về lực lượng, phương tiện, vật tư để ứng phó kịp thời, có hiệu quả nhất; thường xuyên cập nhật thông tin về cơn bão. Đối với khu vực trên biển, cần công bố vùng biển nguy hiểm khi bão vào; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện trên biển khi bão vào như hướng dẫn neo đậu tàu thuyền an toàn khi bão vào, chủ động sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm…Đối với trên đất liền cần đảm bảo an toàn cho người dân, trong đó rà soát lại tất cả các điểm dễ sạt lở để chủ động sơ tán người dân. Bên cạnh đó cần đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng, nhà cửa của người dân, các công trình sản xuất; đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp; chủ động phương án đảm bảo an toàn hồ đập, hệ thống đê điều, chủ động các phương án ứng phó sự cố tìm kiếm cứu nạn. Các cơ quan truyền thông tiếp tục đưa thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời diễn biến cơn bão.
Trước tình hình dự báo, cảnh báo về siêu bão MangKhut, UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu UBND, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, các sở, ngành tập trung vào các nội dung như: theo dõi chặt chẽ, nắm chắc diễn biến siêu bão cũng như tình hình thời tiết mưa lũ trên địa bàn, tăng cường thông tin, tuyên truyền; khẩn trương xây dựng phương án phòng, chống siêu bão Mangkhut, trong đó tập trung chống lũ, lũ quét, chống úng ngập do mưa to theo phương châm 4 tại chỗ; đối với các công trình xây dựng dở dang, các chủ đầu tư, nhà thầu phải triển khai ngay các phương án, biện pháp đảm bảo an toàn cho người, công trình, phương tiện; các sở, ban, ngành tăng cường phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện các phương án ứng phó siêu bão; duy trì trực ban nghiêm túc 24/24 giờ… Ứng phó với siêu bão là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu trong những ngày tới, các cơ quan, đơn vị tạm hoãn các cuộc họp, hội nghị chưa thực sự cấp thiết để tập trung cao nhất cho công tác ứng phó với siêu bão nhằm hạn chế đến mức thiệt hại. |
TÂN AN
Ý kiến ()