“Hợp đồng 68”- gần mà xa
Nhân viên phục vụ Trường Mầm non thị trấn Bắc Sơn trong hội thi nấu ăn giỏi |
Năm học 2013-2014, toàn ngành GD&ĐT có 319 bếp ăn tập thể, phục vụ trên 53 ngàn học sinh, trong đó có 230 bếp ăn cấp học mầm non, 78 bếp ăn của loại hình phổ thông dân tộc bán trú và 11 bếp ăn nội trú. Đội ngũ nhân viên phục vụ có 1.103 người, trong đó có 638 người đã qua lớp bồi dưỡng, chiếm tỷ lệ 57,85% và 465 người chưa qua lớp bồi dưỡng, tỷ lệ 42,15%. Trừ số nhân viên phục vụ tại các bếp ăn của các trường nội trú đã ổn định, số còn lại hầu hết là hợp đồng ngắn hạn với những người dân sở tại, trong đó ưu tiên những hộ dân đã hiến đất cho các nhà trường. Vì vậy, khi bước vào làm việc, hầu như họ vẫn chưa được đào tạo về chuyên môn, có chăng là chỉ qua lớp tập huấn ngắn ngày với những kiến thức sơ đẳng về nấu ăn và vệ sinh ATTP.
Tuy vậy, với khao khát có được công việc ổn định, có thu nhập và tấm lòng yêu trẻ, đội ngũ nhân viên nấu ăn luôn cố gắng tự học hỏi, nâng cao kiến thức về nghiệp vụ, tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn VSTP trong bếp ăn tập thể; nhiều người trẻ năng động sáng tạo, chế biến những món ăn vừa hợp khẩu vị và đảm bảo dinh dưỡng quy định cho từng lứa tuổi. Cô Lăng Trung Huệ, nhân viên cấp dưỡng của Trường MN 17/10 thành phố cho biết: cho dù mức tiền công, tiền lương có thấp, song bằng tình yêu thương con trẻ, các cô phục vụ ở đây luôn nhiệt tình, sáng tạo trong công việc, đảm bảo cho các cháu có những bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng.
Phục vụ tận tình như vậy, song chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn (9 tháng), không được thụ hưởng các loại bảo hiểm và các chế độ khác như nhân viên trong biên chế. Để giúp đội ngũ có thu nhập, đảm bảo cuộc sống, một số trường khu vực thành phố, ngoài trả đủ tiền công, các nhà trường huy động phụ huynh học sinh đóng góp thêm với mức từ 5-10 ngàn mỗi tháng để trả thêm cho nhân viên phục vụ. Còn đối với các trường vùng sâu, vùng xa, các huyện cố gắng đảm bảo mức thu nhập gồm phần lương (bằng 1,0) cộng với phụ cấp khu vực.
Thầy giáo Tô Minh Đức, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú Tiểu học&THCS xã Mẫu Sơn (Cao Lộc) cho biết: nhà trường có 3 nhân viên phục vụ là người địa phương, tuy mới chỉ ký hợp đồng lao động theo năm học, nhưng thu nhập của họ cũng đạt khoảng 1,8 triệu đồng/ tháng (gồm 1,0 tiền lương cộng với 0,7 phụ cấp khu vực). Tuy vậy, nhiều người đã tỏ ra chán nản với công việc, theo họ, do không được ký hợp đồng không kỳ hạn nên “làm ngày nào biết ngày ấy, tháng nào biết tháng ấy”.
Theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, ngày 17/11/2000 của Chính phủ, thì đối tượng phục vụ tại các bếp ăn tập thể của ngành GD&ĐT đủ điều kiện được ký hợp đồng không kỳ hạn. Công văn số 984/UBND-VX, ngày 23/9/2013 của UBND tỉnh cũng nêu rõ: “Đối với Sở GD&ĐT: Thống nhất tuyển dụng đội ngũ nhân viên nấu ăn trong các trường MN theo Nghị định 68 của Chính phủ… Đối với UBND các huyện, thành phố: Thực hiện tuyển dụng đội ngũ nhân viên nấu ăn trong các trường MN theo Nghị định 68…” Nghị định 68 đã được thực hiện từ cuối năm 2000, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo rất kiên quyết; tuy nhiên đội ngũ này vẫn cứ bị thiệt thòi, trong đó có hàng trăm nhân viên đã có “thâm niên” hàng chục năm trong nghề vẫn cứ ký hợp đồng theo năm học.
Thành phố Lạng Sơn có trên 200 nhân viên phục vụ, song theo ông Ngô Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT thì số được hợp đồng 68 mới chỉ khoảng trên 10 người. Đối với các huyện có nhiều trường MN mới thành lập, việc “tiếp cận” các văn bản, chế độ chính sách có nhanh hơn, đến nay, tỷ lệ nhân viên nấu ăn được ký “hợp đồng 68” đã đạt 34,44%. Một số huyện đã có đội ngũ nhân viên nấu ăn được ký “hợp đồng 68” đạt khá như Bình Gia, Bắc Sơn, Tràng Định… Tuy vậy vẫn còn trên 65% nhân viên nấu ăn vẫn ký hợp đồng theo năm học và vừa làm vừa “ngóng”; chính sách đã rõ ràng nhưng vẫn quá xa đối với họ. Trong hội nghị ngày 24/3/2014 sơ kết 3 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, cùng với yếu tố cơ sở vật chất, vấn đề “hợp đồng 68” đã trở thành “vấn đề nóng” từ huyện đến tỉnh, từ ngành GD&ĐT đến Sở Nội vụ, Sở Tài chính.
Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo Sở Nội vụ và Sở Tài chính, kết luận hội nghị, đồng chí Tô Hùng Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp với Sở Nội vụ thực hiện việc ký hợp đồng theo Nghị định 68 đối với nhân viên nấu ăn. Đồng chí cũng cho rằng đây là một trong những việc cần làm ngay để ổn định đội ngũ nhân viên phục vụ, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo vệ sinh ATTP tại các bếp ăn tập thể của ngành GD&ĐT.
Giờ ăn trưa của các em học sinh Điểm trường Sài Hồ, Phân trường Tiểu học xã Tân Thành (Cao Lộc) – Ảnh: THẾ BẢO |
Làm việc với lãnh đạo một số phòng GD&ĐT, chúng tôi có nhắc tới ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh về vấn đề này, lãnh đạo các phòng nói rằng “sẽ trình” UBND huyện. Biết rằng “sẽ trình” nhưng nghe chừng không biết đến bao giờ mới “trình” và ký được. Cần phải hiểu rằng bất cứ sự chậm chễ nào cũng là sự thiếu trách nhiệm với đội ngũ nhân viên phục vụ và như vậy, sẽ là thiếu trách nhiệm với trên 53 ngàn học sinh đang hàng ngày ăn uống tại các nhà trường.
Ý kiến ()