Hợp chuẩn chất lượng đo lường trong các nền kinh tế APEC
Đại biểu các nền kinh tế khu vực APEC cùng chia sẻ các sáng kiến, đề xuất về hài hòa các tiêu chuẩn khác nhau giữa các nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, lưu thông hàng hóa trong khu vực.
Hội nghị về luật và chính sách cạnh tranh. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh |
Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cấp cao APEC (SOM 1), chiều 20/2, tại Nha Trang đã diễn ra cuộc họp của Nhóm tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (APEC/SCSC).
Đây là một chuỗi sự kiện trải dài trong suốt năm 2017 với 2 cuộc họp chính thức và khoảng 14 hội thảo, hội nghị bên lề tổ chức tại các thành phố Nha Trang, Đà Nẵng và TPHCM với sự tham gia của gần 100 đại biểu quốc tế của 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Cuộc họp đã nghe báo cáo tiến độ triển khai chương trình hành động tập thể về tạo thuận lợi thương mại; tập trung bàn thảo nội dung đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại trong APEC, đặt trọng tâm thúc đẩy nền kinh tế số trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Các đại biểu cũng bàn biện pháp kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; chia sẻ thông tin về hoạt động áp dụng tiêu chuẩn, chứng nhận, đổi mới công nghệ, giáo dục tiêu chuẩn trong trường học…
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, SCSC 2017 sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc hợp chuẩn và định hình các tiêu chuẩn mới trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hướng tới một nền kinh tế APEC ổn định, năng động và phát triển bền vững.
Để hoàn thành nhiều mục tiêu mà các nền kinh tế APEC đề ra, SCSC thúc đẩy các tiêu chuẩn, đánh giá chất lượng trong khu vực để hỗ trợ quá trình đổi mới, để tạo điều kiện chuyển giao công nghệ và khả năng tương tác của các sản phẩm, dịch vụ và hệ thống.
SCSC 2017 cũng hướng tới hoàn thành các mục tiêu Bogor về thương mại và tự do hóa đầu tư vào năm 2020 theo lộ trình. Trong đó, nâng cao khả năng cạnh tranh và đổi mới của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế phẳng; mở ra tiềm năng to lớn của quan hệ đối tác công-tư, đặc biệt là nâng cao vai trò của nữ doanh nhân, doanh nhân trẻ.
Hội nghị về khoa học và đời sống. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh |
* Trong ngày 20/2, SOM1 đã diễn ra hoạt động của 8 nhóm công tác, tiểu ban và hội thảo của APEC về phát triển nguồn nhân lực; chống tham nhũng và minh bạch hóa; di chuyển doanh nhân; khoa học đời sống và đổi mới; chuyên gia về chống khai thác gỗ trái phép và thương mại liên quan…
Các đại biểu đều bày tỏ mong muốn hợp tác cụ thể hoá các ưu tiên của Năm APEC Việt Nam 2017, góp phần triển khai mục tiêu chung của Diễn đàn về tự do hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực.
Các cuộc họp cũng rà soát việc triển khai các chương trình hợp tác dài hạn của APEC trong các lĩnh vực liên quan, nổi bật là Tuyên bố Bắc Kinh về phòng chống tham nhũng, Chương trình thẻ đi lại cho doanh nhân (ABTC)…
Trong khi đó, các đại biểu tham dự cuộc họp về phát triển nguồn nhân lực APEC trong năm 2017 cần góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư, hướng tới tăng trưởng kinh tế, gắn kết xã hội của các nền kinh tế thành viên.
Với mục tiêu này, Nhóm đã thống nhất sẽ thúc đẩy công tác chuẩn bị để tổ chức thành công “Đối thoại chính sách cao cấp về đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số” tại Hà Nội vào tháng 5 tới…
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()