Ngày 22-9, tại Khách sạn Melia, Hà Nội, các Đoàn đại biểu tham dự AIPA-31 bước vào ngày làm việc thứ hai.
Buổi sáng, tại Ủy ban về các vấn đề chính trị, các đại biểu đã nghe đại diện của đoàn Việt Nam trình bày Báo cáo kết quả cuộc gặp giữa lãnh đạo AIPA và ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN 16 và Báo cáo kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN 16 tổ chức tại Hà Nội vào tháng 4-2010, tập trung thảo luận ba dự thảo Nghị quyết về: Thúc đẩy hợp tác giữa AIPA – ASEAN; Tình hình an ninh khu vực và thế giới; Tăng cường đoàn kết và thống nhất trong đa dạng ở ASEAN. Đây là các dự thảo Nghị quyết do Đoàn Việt Nam đề xuất. Các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị các dự thảo Nghị quyết của Đoàn Việt Nam, nhất trí về cơ bản nội dung của các dự thảo nghị quyết. Đồng thời, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể. Đối với dự thảo Nghị quyết về thúc đẩy hợp tác giữa AIPA và ASEAN, các đại biểu đề xuất ngôn ngữ của dự thảo cần thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn của AIPA trong việc thúc đẩy hợp tác với ASEAN, xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Về dự thảo Nghị quyết về tình hình an ninh khu vực và thế giới, các đại biểu đã nhất trí bổ sung vào dự thảo nguyên tắc khuyến khích giải quyết những khác biệt giữa các quốc gia trong nội bộ ASEAN bao gồm cả những khác biệt về lãnh thổ thông qua các biện pháp hòa bình, đàm phán song phương hoặc đa phương và trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trao đổi về dự thảo Nghị quyết về tăng cường đoàn kết và thống nhất trong đa dạng trong ASEAN, Ủy ban đã thống nhất bổ sung nguyên tắc tôn trọng quyền của lao động nhập cư trên cơ sở tôn trọng luật pháp của quốc gia sở tại; khuyến khích cơ chế đối thoại song phương về một số vấn đề mà nghị sĩ các quốc gia ASEAN quan tâm khi cần thiết. Các dự thảo nghị quyết này đã được Ủy ban nhất trí và sẽ trình Đại hội đồng AIPA-31 thông qua tại phiên toàn thể lần thứ 2.
Tại Ủy ban về các vấn đề Kinh tế, các đại biểu tập trung thảo luận và nhất trí trình Đại hội đồng ba dự thảo Nghị quyết về: Hội nghị chuyên đề của AIPA về Vai trò của nghị sĩ quốc hội trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính – kinh tế và phát triển bền vững; Phê chuẩn Báo cáo của Hội nghị nhóm tư vấn AIPA lần thứ 2 và Nghị quyết Thúc đẩy đối thoại với khu vực kinh tế tư nhân. Đối với dự thảo Nghị quyết về Hội nghị chuyên đề của AIPA về vai trò của nghị sĩ quốc hội trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính – kinh tế và phát triển bền vững, các đại biểu đã đánh giá cao nỗ lực của QH Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị và nhất trí nội dung nghị quyết để trình Đại hội đồng. Đồng thời, trong quá trình thảo luận, các đại biểu cũng đã trao đổi ý kiến nhằm tìm ra các nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế vừa qua, trong đó nhiều đại biểu nhấn mạnh cần xem nạn rửa tiền là một trong những nguyên nhân đó. Đối với dự thảo Nghị quyết về vấn đề thúc đẩy đối thoại với khu vực kinh tế tư nhân, các đại biểu nhất trí đánh giá cao tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân và khẳng định cần tiếp tục tăng cường đối thoại giữa chính phủ với khu vực kinh tế này để bảo đảm tính minh bạch và nhất quán của các chính sách. Ủy ban cũng đánh giá cao và nhất trí với dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Báo cáo của Hội nghị Hội đồng tư vấn AIPA lần thứ hai do Đoàn Xin-ga-po đề xuất.
Ủy ban về các vấn đề xã hội tập trung thảo luận và nhất trí với nội dung các nghị quyết về: Biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai và phòng, chống dịch bệnh; Phát triển nguồn nhân lực; Người khuyết tật và về việc thông qua Báo cáo của Hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban điều tra thực trạng nhằm đấu tranh chống hiểm họa ma túy của AIPA (AIFOCOM). Các dự thảo Nghị quyết này do Việt Nam đề xuất. Đối với vấn đề biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai và phòng, chống dịch bệnh, các đại biểu đã nhất trí nội dung nghị quyết, đồng thời khuyến nghị Chính phủ các nước ASEAN thiết lập một cơ chế chung để chia sẻ thông tin và nguồn lực nhằm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Thảo luận chủ đề Phát triển nguồn nhân lực, các đại biểu đều ủng hộ nội dung của nghị quyết và nhận định đây là vấn đề chung đối với các nước thành viên của ASEAN, cần được thúc đẩy để các nước có thể chủ động hơn trong việc ứng phó với sự biến đổi kinh tế. Tuy nhiên, một số đại biểu tham dự phiên họp đề nghị cần sớm chuyển tải, triển khai các nội dung Nghị quyết thành các hành động thực tế. Quan tâm vấn đề người khuyết tật, các đại biểu nhất trí công nhận sự đóng góp có giá trị và đầy tiềm năng của người khuyết tật, đồng thời khuyến khích các nghị viện thành viên AIPA và chính phủ cần tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy và hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan người khuyết tật. Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về kết quả của Hội nghị AIFOCOM-7, các đại biểu tham gia phiên họp đều thống nhất ủng hộ nội dung của Nghị quyết và nhất trí với mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN không có ma túy vào năm 2015.
Ủy ban các vấn đề Tổ chức dành nhiều thời gian thảo luận về việc tăng cường năng lực của Ban Thư ký AIPA; bổ sung một số vị trí trong Ban Thư ký AIPA; đặc biệt là chức danh Giám đốc Thông tin, theo đề xuất của Tổng Thư ký AIPA. Ý kiến của đại diện nghị viện các nước đều cho rằng, việc bổ sung các vị trí của Ban Thư ký AIPA là cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh tình trạng quá tải của Ban thư ký. Ủy ban đã nhất trí với đề xuất của Tổng Thư ký AIPA về việc bổ sung chức danh phụ trách về thông tin, truyền thông để quảng bá hình ảnh và hoạt động của AIPA với điều kiện không ảnh hưởng đến ngân sách của AIPA. Bên cạnh đó, trong phiên họp sáng nay, Ủy ban cũng đã nhất trí với bảy nghị quyết khác để trình Đại hội đồng, trong đó có việc công nhận tư cách quan sát viên của Ấn Độ và xác định QH Cam-pu-chia sẽ là chủ nhà của Đại hội đồng lần thứ 32, được tổ chức vào tháng 9-2011.
* Chiều 22-9, trong khuôn khổ Hội nghị AIPA-31, các nước thành viên ASEAN đã tiến hành các phiên đối thoại song phương với các quan sát viên là Trung Quốc, Nghị viện châu Âu, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Nhật Bản, Hàn Quốc và LB Nga về tình hình an ninh khu vực và thế giới; hợp tác phát triển kinh tế và thương mại trong giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng nhằm bảo đảm phát triển bền vững; vấn đề môi trường, dịch bệnh và thiên tai; hợp tác về giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ; trao đổi về hoạt động nghị viện giữa các nước thành viên AIPA và các nước quan sát viên.
Tại cuộc gặp song phương AIPA – Trung Quốc, các đại biểu thảo luận những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm như tình hình an ninh khu vực, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề mua bán người, hợp tác kinh tế và thương mại… Các đại biểu khẳng định sự cần thiết tăng cường hợp tác ASEAN – Trung Quốc, nhấn mạnh hai bên đang là đối tác quan trọng của nhau, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Tại cuộc gặp đối thoại với Ô-xtrây-li-a, hai bên cùng thảo luận những cơ hội và thách thức trong hợp tác song phương. Phía Ô-xtrây-li-a khẳng định ủng hộ sáng kiến của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hợp tác giữa các nghị viện ASEAN với các nước quan sát viên, coi đây là nền tảng để nâng cao mối quan hệ giữa các nghị viện lên tầm cao hơn từ đó thúc đẩy các chính sách hợp tác cho phù hợp với lợi ích của mỗi bên. Trong cuộc đối thoại với Ca-na-đa, các nước bày tỏ mong muốn việc tăng cường hợp tác với Ca-na-đa trong lĩnh vực giáo dục, kinh tế, tài chính, truyền thông, kỹ thuật số, y dược, an ninh năng lượng. Tại cuộc gặp với Nghị viện châu Âu EU, hai bên nhất trí cho rằng, thúc đẩy cơ chế hợp tác liên nghị viện là cơ hội thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, ASEAN và EU, với vai trò là hai khu vực có vị thế địa chính trị quan trọng, sẽ là động lực để thúc đẩy sự phát triển cũng như mang lại hòa bình và ổn định trong khu vực. Trong buổi đối thoại với Nhật Bản, Hàn Quốc, LB Nga, đại biểu của nghị viện các nước thành viên AIPA mong muốn có sự chia sẻ kinh nghiệm từ phía các nước này về các vấn đề như phòng, chống ma túy, giáo dục và đào tạo, phòng chống thiên tai, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, an ninh lương thực…
Trong các phiên họp chiều 22-9, ASEAN và các bên quan sát viên đã trao đổi thẳng thắn trên tinh thần xây dựng về nhiều vấn đề; nhất trí cho rằng, với vai trò là trung tâm, ASEAN đang là “cầu nối” nhằm thúc đẩy hợp tác có hiệu quả cho mỗi bên, đồng thời bảo đảm ổn định, hòa bình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.
Ý kiến ()