Họp Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh kết luận tại cuộc họp
– Sáng 28/9, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn quý III năm 2022. Dự họp có thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan. Cuộc họp được trực tuyến tới điểm cầu các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đạt được một số kết quả quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện công cuộc chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Nhận thức của các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số được nâng lên rõ rệt. 11/11 huyện, thành phố đã kiện toàn ban chỉ đạo về chuyển đổi số cấp huyện. Toàn tỉnh đã kiện toàn trên 1.600 Tổ công nghệ số cộng đồng với gần 7.900 thành viên đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.
Cả 5 trụ cột về chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, toàn diện, trong đó, ưu tiên vào một số lĩnh vực như: phát triển kinh tế nông nghiệp, giáo dục, y tế, cửa khẩu số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4… Qua đó, đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; góp phần tích cực nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI, SIPAS và PAR INDEX của tỉnh. Tính đến tháng 9/2022, Lạng Sơn đã hoàn thành 17/30 chỉ tiêu của mục tiêu đến năm 2025 đề ra tại Nghị quyết số 49 ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Chuyển đối số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”,
Cuộc họp lần này, đơn vị soạn thảo đã trình bày Dự thảo Kế hoạch của UBND tỉnh về Chuyển đổi số cho các tuyến đường, phố, gắn mã QR Code biển tên đường, phố và khu di tích, danh thắng tỉnh Lạng Sơn, nhằm cung cấp thông tin lịch sử, tên các danh nhân gắn với các tuyến phố và khu di tích danh thắng tạo thuận lợi cho người dân và du khách tra cứu thông tin, góp phần giáo dục, tuyên truyền về các giá trị lịch sử, thể hiện sự văn minh, hiện đại trong việc áp dụng công nghệ số vào mọi mặt đời sống xã hội, hướng đến kết nối thông tin đa chiều, từng bước ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị đã báo cáo, thảo luận các nội dung triển khai công dân số Xứ Lạng; tài khoản thanh toán điện tử; đề xuất phủ sóng điện thoại tại một số địa bàn xã; tăng cường bồi dưỡng cho tổ công nghệ số cộng đồng, giải pháp nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến…
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và người dân trong việc triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số. Đồng chí cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đồng chí nhấn mạnh, để triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát những chỉ tiêu đạt thấp và tổ chức triển khai khắc phục ngay trong tháng 10/2022; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số theo hướng đào tạo bồi dưỡng hoặc thu hút cán bộ có chuyên môn về công tác tại các cơ quan, đơn vị; UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành cần bố trí kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho chuyển đổi số; tiếp tục làm tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông có vai trò dẫn dắt các sở, ngành trong chuyển đổi số; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp tham gia vào công cuộc chuyển đổi số. Với dự thảo kế hoạch chuyển đổi số cho các tuyến đường phố, gắn mã QR code tên đường phố và khu di tích danh thắng tỉnh Lạng Sơn, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung nội dung dự thảo, trong đó cần cụ thể các nội dung thông tin cần mã hóa, thời gian tổng hợp thông tin, thời gian gắn biển…
Ý kiến ()