Họp Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 quý II năm 2024
- Sáng 5/7, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh Lạng Sơn quý II năm 2024. Dự họp có thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan. Cuộc họp được trực tuyến tới điểm cầu các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp được kiện toàn, kịp thời ban hành hệ thống các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch chuyển đổi số năm 2024. Công tác tuyên truyền về Chuyển đổi số, Đề án 06 được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai, thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú.
Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chuyển đổi số và Đề án 06 được quan tâm đầu tư. Thành viên Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh thường xuyên kiểm tra, rà soát, hiệu chỉnh chức năng đồng bộ trạng thái giải quyết hồ sơ từ Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã tiếp nhận 171.997 hồ sơ, trong đó, tiếp nhận trực tuyến 168.014 hồ sơ (chiếm 97,7%); đã giải quyết 171.035 hồ sơ, trong đó giải quyết trước hạn và đúng hạn 169.123 hồ sơ (đạt 98,9%). Việc số hóa hồ sơ thủ tục hành chính được các cơ quan, đơn vị quan tâm, thực hiện, đến thời điểm hiện tại, tổng số hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị đã thực hiện số hoá lên Kho dữ liệu số hoá của tỉnh là 817.860/879.100 hồ sơ; 100% hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh và các sở, ngành được quản lý tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh lên Nền tảng điện toán đám mây Lạng Sơn Cloud; 100% các trường học trên địa bàn tỉnh triển khai thanh toán học phí, phí dịch vụ giáo dục bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 100% bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện, thành phố triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, kết nối với bệnh viện tuyến trên phục vụ khám chữa bệnh. Hoàn thành kết nối nối cơ sở dữ liệu ngành giao thông vận tải với Nền tảng cửa khẩu số; triển khai thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trên Nền tảng cửa khẩu số.
Các chỉ số thành phần về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của tỉnh được cải thiện về thứ hạng, trong đó: Chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” của Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp hạng 25/63 tỉnh, thành phố, tăng 33 bậc so với năm 2022; Chỉ số thành phần “Quản trị điện tử” của Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp hạng 27/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2022.
Cùng đó, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh bám sát mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022 – 2025. Trong 52 nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã hoàn thành 12 nhiệm vụ; thực hiện thường xuyên 33 nhiệm vụ; đang thực hiện 7 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ chưa hoàn thành. Thực hiện 5 nhóm tiện ích của Đề án 06 “Pháp lý - Hạ tầng - An ninh an toàn - Dữ liệu - Nguồn lực” giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính; giúp cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tăng tính minh bạch, nâng cao sự hài lòng cho Nhân dân, tiết kiệm nguồn nhân lực, thời gian, giảm chi phí.
Tại hội nghị, đại biểu các sở, ngành, UBND các huyện đã tham luận, thảo luận đưa ra giải pháp khắc phục khó khăn trong công tác thanh toán trực tuyến; phát triển thương mại điện tử; phát huy vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng, nâng cao chất lượng mạng di động trên địa bàn tỉnh; số hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực, làm sạch dữ liệu chuyên ngành…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã phân tích thêm những kết quả đã đạt được cũng như chỉ ra hạn chế trong công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 những tháng đầu năm 2024.
Đồng chí chỉ đạo: Trong 6 tháng cuối năm các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số và Đề án 06 tới cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp; tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác chuyển đổi số cũng như lãnh đạo các cấp; tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn an ninh các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh số hóa trong các ngành kinh tế, thương mại, du lịch; tiếp tục số hóa các thủ tục hành chính còn hiệu lực nhằm tạo ra kho dữ liệu tái sử dụng; khẩn trương rà soát, đánh giá, cấu trúc lại các quy trình đối với dịch vụ công trực tuyến nhằm cắt giảm những quy trình rườm rà giúp người dân rút ngắn thời gian, chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính...
Ý kiến ()