Hồng Phong: Dân khổ vì ô nhiễm trên sông Văn Mịch
– Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở các thôn: Đoàn Kết, Vằng Phuya và khu phố Văn Mịch, xã Hồng Phong, huyện Bình Gia bức xúc về tình trạng tiểu thương, người dân gần khu vực chợ Văn Mịch đổ rác thải trực tiếp xuống sông Văn Mịch gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Chợ Văn Mịch nằm trên địa bàn trung tâm khu phố Văn Mịch, huyện Bình Gia. Chợ họp theo phiên cách nhau 5 ngày, vào các ngày: 3, 8, 13 (âm lịch)… hằng tháng. Từ hơn 1 năm nay, tình trạng rác thải tại chợ đổ trực tiếp xuống sông Văn Mịch đã gây ô nhiễm nặng tại khu vực này. Rác thải chủ yếu là các loại túi nilon, vỏ hoa quả, rau củ, thực phẩm hư hỏng… của các hộ kinh doanh, tiểu thương, người dân buôn bán tại chợ.
Rác thải đổ xuống sông gây ô nhiễm môi trường sông Văn Mịch.
Khảo sát thực tế tại sông Văn Mịch, đoạn qua chợ Văn Mịch, chúng tôi tận mắt chứng kiến một lượng rác thải lớn, từng bọc túi nilon, rau củ hư hỏng,… nổi lềnh bềnh trên sông; cả một khúc sông nồng nặc mùi khó chịu từ các loại rác thải này. Bà Hoàng Thị Ly, người dân khu phố Văn Mịch cho biết: Trước đây, rác từ chợ được gom lại tại khu đất cạnh bờ sông để đốt. Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây rác từ chợ được một nhân viên môi trường dùng xe cải tiến gom lại và đổ thẳng xuống sông.
Theo thông tin tư các hộ dân sống lân cận khu vực sông bị ô nhiễm, trung bình sau mỗi hôm họp chợ, có 3 hoặc 4 xe cải tiến thu gom rác rồi đổ xuống khu vực sông Văn Mịch (đoạn chân cầu dân sinh ngay dưới chợ). Qua thời gian, lượng rác tại đây ngày càng nhiều gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và cảnh quan.
Ông Lương Văn Thêm ,Trưởng khu phố Văn Mịch cho biết: Rác đổ xuống sông chủ yếu là rác thải ra từ khu vực chợ, ngoài ra một số ít là rác nhựa, túi nilon của người dân sinh sống quanh khu vực này. Trong các cuộc họp khu phố, người dân đã nêu rất nhiều ý kiến, trình bày tâm tư nguyện vọng với trưởng thôn để từ đó, chính quyền xã nhận thấy tính cấp thiết đối của việc xây dựng khu xử lý rác để thu gom, tiêu hủy lượng rác thải ra từ khu chợ. Tuy nhiên, đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp và tình trạng tiếp tục tái diễn.
Bà Hoàng Thị Ái, người dân thôn Đoàn Kết (khu vực hạ hưu sông Văn Mịch) cho biết: Rác trôi về đây chủ yếu là rác từ chợ Văn Mịch. Từ đầu năm đến nay, chưa có nước lũ nên rác trôi nổi từng bọc dạt xuống đây, ùn ứ lại gây mùi hôi rất khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và sinh hoạt của người dân chúng tôi.
Ngoài thôn Đoàn Kết, khu vực hạ lưu sông còn có thôn Vằng Phyau. Nhiều hộ dân ở thôn này đang phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông. Với tình trạng rác thải ô nhiễm như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và hiệu quả kinh tế từ mô hình.
Ông Hoàng Văn Tập, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: Tình trạng trên đã diễn ra từ lâu, đến nay, việc xử lý vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Trước đây, một vài người dân trên địa bàn xã đã tự nguyện hiến đất để xây dựng khu xử lý rác thải, tuy nhiên, người dân sống gần khu vực đó lại phản đối vì lo ô nhiễm từ khu vực xử lý rác. Về giải pháp lâu dài, xã đã nhiều lần kiến nghị với UBND huyện về việc xem xét quy hoạch khu xử lý rác để giải quyết tình trạng trên. Tuy nhiên, việc quy hoạch khu xử lý rác cần có thời gian và cần sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị có liên quan. Thêm vào đó là vấn đề về nguồn kinh phí triển khai xây dựng còn hạn hẹp nên huyện vẫn chưa thể có câu trả lời thỏa đáng cho người dân. Còn trước mắt, xã có kế hoạch kết nối với đơn vị xử lý rác thải để thu gom rác trên địa bàn để hạn chế tình trạng ô nhiễm như hiện nay.
Tuy nhiên, những kế hoạch, giải pháp ấy vẫn đang chỉ là trên giấy, còn hiện tại, người dân sinh sống ven sông Văn Mịch vẫn đang phải sống chung với ô nhiễm hằng ngày, hằng giờ.
Ý kiến ()