Hồng không hạt xã Bảo Lâm: Đối mặt nguy cơ thoái hóa
(LSO) – Là xã biên giới của huyện Cao Lộc, Bảo Lâm vốn nổi tiếng là “cái nôi” của cây hồng không hạt. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, giống hồng này bị nhiều sâu bệnh, đứng trước nguy cơ thoái hóa và mất dần thương hiệu “đặc sản” vốn có.
Những ngày đầu tháng 8/2019, chúng tôi có dịp đến xã Bảo Lâm. Nếu như trước đây, dọc đường vào xã là những vườn hồng sai lúc lỉu quả hồng không hạt nức tiếng gần xa, thì năm nay, cũng trên cung đường ấy, những vườn hồng chỉ còn lác đác một vài quả thưa thớt, đâu đó là những cây hồng trụi lá và đã chết khô.
Gia đình bà Mai Kim Ngọc, thôn Nà Pàn là một trong số ít hộ trên địa bàn xã còn duy trì và phát triển cây hồng không hạt Bảo Lâm. Bà Ngọc cho biết: “Những năm trước, nhà tôi trồng rất nhiều hồng, năm sai nhiều cũng thu được 3 – 4 tấn quả. Nhưng mấy năm gần đây, hồng có dấu hiệu bị các bệnh như: mọt đục thân, sâu đục cuống, thán thư… 2 năm trước, gia đình tôi còn 200 cây cho thu quả thì năm nay chỉ còn 100 cây được thu hoạch, nhiều cây hồng bị chết, quả rụng nhiều, một số cây còn cho thu hoạch cũng chỉ lác đác quả nhỏ và vỏ không mượt như trước”.
Người dân thôn Nà Pàn, xã Bảo Lâm bên cây hồng không hạt Bảo Lâm bị bệnh mọt đục thân
Không chỉ gia đình bà Ngọc, trước đây, hầu như gia đình nào ở Bảo Lâm cũng trồng cây hồng không hạt, nhà nào nhiều có 700 – 800 cây, nhà ít cũng có 200 – 300 cây. Khi phát triển tốt, một cây hồng có thể cho năng suất từ 80 kg – 1 tạ/vụ với giá bán từ 25 – 30 nghìn đồng/kg. Nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã có thu nhập cao, có cuộc sống khá giả từ cây hồng.
Theo người dân trên địa bàn xã, cây hồng không hạt được đưa vào trồng từ năm 1996. Hồng Bảo Lâm nổi tiếng xa gần và được ưa chuộng bởi vị ngọt, thơm, giòn đặc trưng và đặc biệt là không hạt. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều diện tích hồng của xã đã bị thoái hóa. Những cây hồng cổ thụ bị mọt đục thân, chỉ sau một thời gian cây sẽ rụng hết lá và chết; những cây hồng non thường bị bệnh thán thư, sâu đục cuống gây rụng quả…
Ông Triệu Ngọc Kim, Chủ tịch UBND xã cho biết: 5 năm về trước, trên địa bàn xã trồng rất nhiều hồng, sản lượng mỗi năm lớn, hàng năm thương lái đến vườn thu mua nhộn nhịp. Những năm gần đây, giống hồng đặc sản này còn số lượng rất ít, nhiều nhà đã bỏ trồng hồng. Nguyên nhân là do cây trồng đã nhiều năm, thời tiết thay đổi dẫn đến cây bị sâu bệnh…
Trước thực trạng đó, một số hộ dân trong xã đã ươm, ghép, trồng lại vườn hồng với mong muốn cải thiện về năng suất cũng như chất lượng. Tuy nhiên, kết quả không mấy khả quan. Từ chỗ một cây trồng đặc sản đem lại giá trị kinh tế cao, giờ đây, cây hồng hầu như không phát huy được thế mạnh đó. Hiện nay, toàn xã chỉ còn 15 ha hồng không hạt Bảo Lâm với khoảng 100 hộ còn có cây hồng. Trong đó, chỉ còn 5 – 6 hộ còn nhiều (số lượng 100 – 200 cây/vườn)
Theo ông Vũ Kì Nam, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Lộc, hằng năm, trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn, ra nhiều thông báo khuyến cáo và hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh trên cây hồng cho bà con. Tuy nhiên, do trên địa bàn xã có nhiều cây hồng già cỗi, bên cạnh đó, người trồng chưa quan tâm, chăm sóc cây sau thu hoạch và phòng trừ sâu bệnh không đúng kỹ thuật, chủ yếu vẫn sử dụng phương pháp thủ công nên hiệu quả không cao. Để khắc phục tình trạng đó, hiện nay, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, tập huấn cho người dân. Đặc biệt, từ năm 2018, chúng tôi đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thực hiện dự án “Cải tạo, phục tráng, bảo tồn phát triển và Xây dựng nhãn hiệu Hồng không hạt Bảo Lâm” tại tất cả các xã trồng hồng trên địa bàn huyện. Tại xã Bảo Lâm dự án thực hiện ở thôn Cốc Tào, diện tích 4 ha. Hiện nay dự án đang trong giai đoạn cuốc hố, trồng cây. Hy vọng qua quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm, dự án thành công sẽ được nhân rộng để cây “đặc sản” hồng không hạt Bảo Lâm không chỉ là món quà tạo hóa ban tặng cho vùng đất nổi tiếng này mà còn góp phần đem lại thu nhập ổn định, bền vững cho bà con.
Ý kiến ()