Thứ 4, 06/11/2024 01:54 [(GMT +7)]
Hồng không hạt Bảo Lâm: Cần tiếp tục được phục tráng
Thứ 6, 28/09/2012 | 09:55:00 [(GMT +7)] A A
Với sự nỗ lực của ngành khoa học, ngành nông nghiệp và địa phương, hy vọng diện tích hồng không hạt trên địa bàn huyện Cao Lộc sẽ tăng trở lại. Những phương pháp mới của Sở KH&CN Lạng Sơn đang áp dụng cũng hy vọng sẽ nâng cao chất lượng, sản lượng cho hồng Bảo Lâm, đưa nó trở thành sản phẩm nông sản hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao.
LSO-Hồng không hạt Bảo Lâm là loại quả đặc sản của Lạng Sơn. Vừa qua, khi lọt vào Top 50 loại quả đặc sản của Việt Nam, thương hiệu hồng Bảo Lâm đã vươn ra các địa phương khác. Tuy nhiên, khi thương hiệu đang được khẳng định thì loại cây ăn quả này lại có nguy cơ bị thoái hóa.
Hội thi hồng Bảo Lâm lần thứ nhất
Hồng không hạt Bảo Lâm được trồng nhiều ở các xã Bảo Lâm, Thạch Đạn, Thanh Lòa thuộc huyện Cao Lộc. Tổng diện tích cây trồng này trong toàn huyện khoảng 200 – 250 ha. Đây là cây đặc sản bởi nó rất khó trồng, và không phải trồng ở đâu chất lượng quả cũng thơm ngon. Hồng không hạt có quả không lớn nhưng chất lượng quả, hàm lượng dinh dưỡng, đường, tinh bột cao, có vị ngọt vừa phải, và có mùi thơm rất đặc trưng, khi chín, quả có sắc vàng ánh hồng, thịt quả ăn giòn, thơm, hàm lượng vitamin cao… Đáng chú ý nữa là loại cây này có thể trồng trên đất xấu, chịu được khô hạn. Đây là loại cây mũi nhọn để phát triển kinh tế của một số địa phương trên địa bàn huyện Cao Lộc. Tuy vậy, thời gian vừa qua, bệnh thán thư đã trở lại trên cây hồng khiến tỷ lệ đậu quả mùa này giảm đáng kể. Không chỉ vậy, một số diện tích cây hồng đã lâu năm, do vậy tình trạng thoái hóa làm nhiều cây hồng bị chết.
Tìm hiểu thực tế mùa hồng năm nay, sản lượng hồng ở xã Bảo Lâm sụt giảm nhanh chóng do nhiều cây bị chết cả gốc hoặc chết từng cành; những cây sống thì cho quả nhỏ hơn, chất lượng giảm sút, hình thức xấu . Điều này dẫu đến thu nhập của nông dân toàn xã bị ảnh hưởng lớn. Theo bà con trồng hồng, ngoài bệnh thán thư, nhiều cây hồng xuất hiện loại sâu đục thân, ăn rỗng ruột cây khiến cây không thể lấy dinh dưỡng nuôi quả. Và khi mắc sâu bệnh thì chỉ sau một năm là cây sẽ chết. Để đối phó với loại sâu này, bà con đã sử dụng ống xi lanh bơm thuốc trừ sâu Vô-pha-tốc đậm đặc vào lỗ sâu đục. Cách làm này cũng có hiệu quả, tuy nhiên để phát hiện bệnh, bà con phải thường xuyên đi thăm vườn, bẻ cành bị nhiễm bệnh rồi đốt. Phương pháp này ngăn chặn bệnh lan rộng nhưng ít nhiều cũng làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây đang thời kỳ sinh trưởng.
Theo bà con, Từ khi cây hồng xuất hiện hai loại bệnh trên, huyện Cao Lộc, Chi cục Bảo vệ thực vật và cả ngành khoa học của tỉnh đã vào cuộc để ngăn chặn bệnh và phục tráng loại cây ăn quả đặc sản nổi tiếng này. Ngoài ngành nông nghiệp, Sở KH&CN cũng đang nỗ lực tìm mọi giải pháp để có thể phục tráng, nhanh chóng cứu cây hồng Bảo Lâm. Những năm 2007 – 2008, Sở KH&CN đã nghiên cứu đề tài khoa học nhằm phục tráng giống hồng không hạt. Không chỉ nghiên cứu phục tráng, năm 2011, Sở KH&CN đã phối hợp với Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: “Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Bảo Lâm” cho sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm, tỉnh Lạng Sơn”. Đây là việc làm quan trọng, vì khi đã có chỉ dẫn địa lý, hồng Bảo Lâm sẽ không bị lẫn với loại hồng khác trên thị trường, khẳng định được thương hiệu và nâng cao giá trị kinh tế.
Hồng Bảo Lâm – Ảnh: La Nam
Trao đổi về những giải pháp nhằm phục tráng hồng Bảo Lâm trong thời gian tới, ông Chu Văn Đường, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, ngoài bệnh thán thư, bệnh sâu đục thân, thì nguyên nhân chính của việc sản lượng hồng đạt thấp là do phần lớn cây hồng của bà con đã trồng lâu năm, dẫn đến cây thoái hóa. Đối phó với bệnh, hiện sở đang phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tích cực chỉ dẫn cho bà con trồng hồng phun thuốc. Đồng thời, đang cùng với ngành nông nghiệp hướng dẫn bà con thực hiện mô hình trồng hồng Bảo Lâm bằng phương pháp ghép cành. Đây là đề tài nhằm giúp bà con về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và nâng cao kinh nghiệm quản lý, bảo vệ cây hồng. Nếu trồng bằng rễ cây, phương pháp thủ công thì sau 12 năm cây hồng mới cho quả, nhưng trồng ghép thì sau 3 năm đã sai quả. Thông qua việc thực hiện mô hình trồng hồng bằng phương pháp ghép cành sẽ nhanh chóng mở rộng, thay thế diện tích hồng bị chết. Không chỉ vậy, cán bộ kỹ thuật của Sở KH&CN đang nỗ lực cũng với người trồng hồng thực hiện một số biện pháp thâm canh, cải tạo cây hồng như: đốn tỉa cành, ghép cải tạo cây cũ, bón phân hợp lý và phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp sinh học…
Với sự nỗ lực của ngành khoa học, ngành nông nghiệp và địa phương, hy vọng diện tích hồng không hạt trên địa bàn huyện Cao Lộc sẽ tăng trở lại. Những phương pháp mới của Sở KH&CN Lạng Sơn đang áp dụng cũng hy vọng sẽ nâng cao chất lượng, sản lượng cho hồng Bảo Lâm, đưa nó trở thành sản phẩm nông sản hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao.
Trí Dũng
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()