Ở Quảng Bình, có một vùng đất mà khi nhắc đến lịch sử hình thành không thể không nói tới sự đóng góp to lớn của những người con miền nam thành đồng Tổ quốc. Vượt qua mưa bom bão đạn, họ khai hoang phục hóa, san núi lập làng, hình thành nên vùng quê trù phú bên đường Hồ Chí Minh hôm nay. Bây giờ, người còn, người mất nhưng vẫn còn đó những nhân chứng sống đã hơn nửa thế kỷ gắn bó với mảnh đất "Hai giỏi" Quảng Bình...Bền gan chiến đấu và xây dựng nông trường Bí thư Đảng ủy thị trấn Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) Nguyễn Đình Thắng giới thiệu chúng tôi gặp những 'nhân chứng sống' là người miền nam hơn 50 năm gắn bó với mảnh đất này. Người đầu tiên mà chúng tôi gặp là ông Phạm Đình Khương (quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi). Ông Khương năm nay ngoài 80 tuổi, có 60 năm tuổi Đảng và hơn 50 năm sống ở đây. Qua câu chuyện với ông Khương, chúng tôi được gặp thêm các ông Hiếu (quê Phú Yên), ông Cương (quê ở Tây Sơn,...
Ở Quảng Bình, có một vùng đất mà khi nhắc đến lịch sử hình thành không thể không nói tới sự đóng góp to lớn của những người con miền nam thành đồng Tổ quốc. Vượt qua mưa bom bão đạn, họ khai hoang phục hóa, san núi lập làng, hình thành nên vùng quê trù phú bên đường Hồ Chí Minh hôm nay. Bây giờ, người còn, người mất nhưng vẫn còn đó những nhân chứng sống đã hơn nửa thế kỷ gắn bó với mảnh đất “Hai giỏi” Quảng Bình…
Bền gan chiến đấu và xây dựng nông trường
Bí thư Đảng ủy thị trấn Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) Nguyễn Đình Thắng giới thiệu chúng tôi gặp những 'nhân chứng sống' là người miền nam hơn 50 năm gắn bó với mảnh đất này. Người đầu tiên mà chúng tôi gặp là ông Phạm Đình Khương (quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi). Ông Khương năm nay ngoài 80 tuổi, có 60 năm tuổi Đảng và hơn 50 năm sống ở đây. Qua câu chuyện với ông Khương, chúng tôi được gặp thêm các ông Hiếu (quê Phú Yên), ông Cương (quê ở Tây Sơn, tỉnh Bình Định) và ông Nguyễn Đình Khoa, 70 tuổi, có 15 năm làm Bí thư Đảng ủy Công ty cao-su Lệ Ninh (trước đây là Nông trường Lệ Ninh).
Theo lời kể của các ông, năm 1958, nhiều cán bộ miền nam tập kết ra bắc, từ các trại an dưỡng, trại thương binh, cán bộ, bộ đội phục viên tập trung về vùng núi của hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình) lập nên các đơn vị sản xuất. Ngày đầu đặt chân tới vùng đất này, mỗi người chỉ mang theo một ba-lô chứa ít đồ dùng cá nhân và 150 đồng do Trung ương cấp để chi tiêu trong vòng sáu tháng. Nơi rừng thiêng nước độc, đêm thường nghe tiếng thú dữ gầm, ai cũng sợ và nhớ quê nhà da diết… Khó khăn là vậy, nhưng tất cả đều cùng chung một ý nghĩ: mỗi người phải làm việc bằng hai vì miền nam ruột thịt, vì sự thống nhất của nước nhà. Chỉ sau sáu tháng, từ một vùng đất cằn cỗi, hoang vu, sự sống bắt đầu hồi sinh trên vùng 'đất lửa' Quảng Bình.
Năm 1964, giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền bắc. Quảng Bình trở thành tuyến lửa, trong đó Lệ Ninh lại là 'túi bom', bởi đây là nơi tập trung bộ đội, lương thực, vũ khí để vận chuyển vào miền nam, vừa là nơi xây dựng nông trường XHCN. Lệ Ninh còn là nơi Binh trạm 16 của Bộ đội Trường Sơn đóng quân, đồng thời là nơi khởi đầu của tuyến đường 10 nối đông và tây Trường Sơn. Với niềm tin sắt son hướng về quê hương miền nam ruột thịt, những người con miền nam ở Nông trường Lệ Ninh luôn sẵn sàng với tinh thần 'Nhà tan cửa nát cũng ừ, quyết thắng giặc Mỹ cực chừ sướng sau'. Địch đánh ban ngày, các đoàn viên sản xuất ban đêm, kiên cường bám đất, bám làng. 1.300 ha cây cao-su, khai hoang hàng trăm ha đất để trồng lúa, cây công nghiệp ngắn ngày, nuôi bò, lợn. Cán bộ, công nhân nông trường cùng với bộ đội chiến đấu hơn 200 trận, góp phần vào chiến công đánh thắng đế quốc Mỹ, thống nhất Tổ quốc.
Trường tiểu học thị trấn Lệ Ninh được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, góp phần phục vụ tốt cho việc dạy và học.
50 năm – tình đất, tình người
Chiến tranh kết thúc, chỉ số ít người miền nam trở về quê cũ, còn lại họ bám trụ ở Lệ Ninh xây dựng gia đình và lập nên vùng quê mới bên tuyến đường Trường Sơn hôm nay. Mỗi người đến từ mỗi tỉnh khác nhau: Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi… nhưng đều nhận Nông trường Lệ Ninh làm nơi xây dựng tổ ấm. 50 năm qua, Nông trường Lệ Ninh thấm đẫm tình đất – tình người. Ông Nguyễn Cương, quê tỉnh Bình Định tâm sự: 'Hơn hai phần ba cuộc đời gắn với nơi đây, nhiều anh em, đồng đội của tôi đã ngã xuống mảnh đất này. Lệ Ninh đã là quê hương sâu nặng của tôi'.
Bí thư Đảng ủy Nguyễn Đình Thắng cho biết: năm trôi qua kể từ ngày những người miền nam đầu tiên đặt chân tới vùng đất này, thị trấn Nông trường Lệ Ninh đã có nhiều đổi thay tự hào, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của thế hệ đầu tiên là cán bộ người miền nam. Việc chọn cây cao-su làm cây trồng chính ở vùng đồi Lệ Ninh của các cán bộ người miền nam lúc bấy giờ đã giúp cho địa phương đạt được kết quả cao trong phát triển kinh tế. Năm năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương đạt 12,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ có 3,1%. Để có được kết quả đó, những năm qua, Đảng bộ thị trấn đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng với cao-su là cây chủ lực, nuôi bò lai, lợn siêu nạc, nuôi hươu và ong mật. Nhân dân khai thác mặt nước hồ Cẩm Ly để nuôi ba ba, cá lóc, rô phi đơn tính mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm'.
Tại thị trấn có Công ty Lệ Ninh đứng chân, góp phần giải quyết việc làm cho 700 lao động là người địa phương. Ngoài ra, có 37 công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh thu hút hơn 450 lao động với mức thu nhập bình quân hơn hai triệu đồng/ người/tháng. Không chỉ phát triển về kinh tế, mà nhiều mặt như văn hóa, giáo dục, y tế cũng được quan tâm và đạt kết quả cao so với mặt bằng chung của tỉnh Quảng Bình. 12/12 thôn ở thị trấn Lệ Ninh đều có đội văn nghệ; hơn 1.000 hộ gia đình đạt 'Gia đình văn hóa' các thôn đều có đội bóng chuyền nam và nữ. Nhiều gia đình trở thành 'gia đình cử nhân' như nhà bác Nguyễn Hà, Phạm Đình Khương, Nguyễn Đình Khoa…
Theo Nhandan
Ý kiến ()