Hơn nửa số dự án FDI đổ vào Đông Nam Bộ
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính lũy kế đến 15-12-2014 vùng Đông Nam Bộ dẫn đầu thu hút FDI, trong khi đồng bằng sông Hồng lại hấp dẫn được nhà đầu tư lớn nhất là Hàn Quốc, còn vùng kinh tế trọng điểm miền trung vẫn nhiều hạn chế trong gọi vốn FDI.
Vùng Đông Nam Bộ dẫn đầu thu hút FDI
Tính lũy kế đến 15-12-2014 vùng Đông Nam Bộ có 9.764 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là gần 115 tỷ USD. Đây là khu vực thu hút FDI lớn nhất cả nước, chiếm 56% số dự án và 45,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Bình quân một dự án FDI của vùng khoảng 11,8 triệu USD/dự án, thấp hơn so với bình quân của cả nước là 14,32 triệu USD/dự án.
TP Hồ Chí Minh dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài trong vùng với 5.196 dự án, tổng số vốn đăng ký 38 tỷ USD chiếm hơn 31 % tổng vốn đầu tư. Vốn FDI đổ nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 5.411 dự án, với tổng số vốn đăng ký đạt 57,6 tỷ USD, chiếm 55% về số dự án và hơn 50% về vốn đăng ký. Quốc gia dẫn đầu đầu tư là Singapore với 962 dự án, tổng số vốn là 15,31 tỷ USD chiếm 9,9% tổng số dự án và 13,3% về vốn đăng ký.
Hàn Quốc đứng đầu đầu tư vào đồng bằng sông Hồng
Tính lũy kế đến 15-12-2014, đã có 5.207 dự án FDI đầu tư vào các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng (gồm 11 tỉnh, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình) với tổng vốn đăng ký khoảng 63 tỷ USD, chiếm khoảng 25% tổng vốn FDI của cả nước.
Trong đó, Hà Nội đang đứng đầu khu vực với 3.013 dự án và 23,4 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 58% tổng số dự án và 38% tổng vốn đầu tư của cả khu vực. Hàn Quốc đứng đầu trong số các quốc gia đầu tư vào khu vực với tổng vốn đăng ký 12,9 tỷ USD. Xét về lĩnh vực đầu tư thì ngành công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ nhất với hơn 2.400 dự án và 32,6 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 47% tổng số dự án và 51% tổng vốn đầu tư toàn vùng.
Vùng kinh tế trọng điểm miền trung còn nhiều hạn chế
Tính đến ngày 15-12-2014, vùng kinh tế trọng điểm miền trung (gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Bình Định) có 581 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký là 17,15 tỷ USD.
Quy mô vốn trung bình một dự án FDI của vùng KTTĐ miền trung đạt 29,5 triệu USD, cao gấp đôi so với quy mô vốn trung bình một dự án FDI của toàn quốc tính đến thời điểm hiện nay là 14,3 triệu USD.
Vốn FDI trên địa bàn vùng tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo với 258 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 6,74 tỷ USD (chiếm 39,3% tổng vốn FDI đăng ký vào vùng KTTĐ miền trung). Quảng Nam là tỉnh dẫn đầu vùng về thu hút vốn FDI với 94 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,09 tỷ USD, chiếm 29,7% tổng vốn FDI đăng ký vào vùng KTTĐ miền trung. Trên địa bàn vùng hiện có 50/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư, trong đó Singapore dẫn đầu với 27 dự án, tổng vốn đầu tư là 5,6 tỷ USD, chiếm 32,7% tổng vốn FDI đăng ký vào vùng.
Tuy nhiên, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định: Vốn FDI trên địa bàn vùng KTTĐ miền trung ngày càng tăng nhưng việc triển khai dự án còn chậm. Số dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ nguồn vào vùng còn ít. Tình trạng một số nhà đầu tư đăng ký để chiếm giữ vị trí, mặt bằng mà chậm triển khai hoạt động vẫn còn.
Chi phí vận tải hàng hoá đi từ các cảng biển trong vùng như ở Đà Nẵng vẫn còn cao hơn so với xuất hàng đi từ các cảng ở TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Vì vậy, các doanh nghiệp phải tốn phí trung chuyển làm tăng giá thành sản phẩm, giảm cạnh tranh.
Nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, phụ tùng từ các doanh nghiệp trong khu vực miền trung cho doanh nghiệp FDI còn rất hạn chế. Quy mô thị trường khu vực miền trung nhỏ, sức mua còn thấp. Lao động tuy dồi dào, trẻ nhưng kỹ năng lao động không cao, ngoại ngữ yếu, chưa được đào tạo.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()