Hơn một nửa dân số thế giới vẫn chưa tiếp cận với Internet
Theo thống kê, còn khoảng hơn 4 tỷ người, chiếm 57% dân số thế giới, phần lớn sống ở những nước chưa phát triển, vẫn chưa được tiếp cận internet cũng như không thể tận dụng được những lợi ích kinh tế và xã hội mà internet đem lại.
Một báo cáo được công bố mới đây của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cho thấy, có 47,1% dân số thế giới được tiếp cận và sử dụng internet, mức độ tăng chậm so với năm 2015 là 43%. Cụ thể, vẫn còn khoảng hơn 4 tỷ người trên toàn thế giới vẫn chưa kết nối được với internet mặc dù giá thành dịch vụ cũng như vùng phủ sóng dịch vụ internet đã được mở rộng đáng kể trong thời gian qua.
Báo cáo cho biết, sự phát triển và mở rộng của các mạng di động trên toàn cầu đóng một vai trò quan trọng trong việc gia tăng khả năng kết nối internet. Trong đó, mạng di động băng thông rộng đã phủ sóng tới 84% dân số thế giới trong năm 2016, nhưng số lượng người dùng ở mức 47%, thấp hơn nhiều so với những người có quyền truy cập internet. Như vậy, hơn một nửa dân số trên toàn thế giới vẫn chưa có kết nối mạng. Mục tiêu đặt ra của ITU là 15% dân số các nước kém phát triển sẽ có kết nối mạng vào cuối năm 2016.
Google và Facebook đang nỗ lực mang internet đến những nơi khó khăn và sử dụng các công nghệ tiên tiến để cung cấp kết nối internet cho các khu vực nông thôn, người nghèo trên toàn thế giới.
Viễn thông và internet đang ngày càng mở rộng như điện thoại thông minh giá rẻ đang khuyến khích người tiêu dùng truy cập internet, khiến nhu cầu phát triển của các dịch vụ dữ liệu tăng. Hàn Quốc hiện đang là quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ kết nối và sử dụng internet, trong khi đó các quốc gia thuộc châu Phi như: Niger, Chad, Guinea-Bissau và Nam Sudan đang ở mức rất thấp.
Tính tới đầu năm 2016, băng thông internet quốc tế đã đạt 185.000 Gb/giây. Tuy nhiên, sự gia tăng này không đồng đều ở khắp mọi nơi trên thế giới. Việc thiếu băng thông vẫn là nhân tố chủ yếu khiến tốc độ truy nhập internet chậm được cải thiện ở nhiều quốc gia đang phát triển và chậm phát triển.
Báo cáo cũng đề xuất một số biện pháp như đầu tư vào hạ tầng cơ bản, giảm chi phí kinh doanh, giảm rào cản thương mại, khuyến khích các công ty khởi nghiệp gia nhập thị trường, tăng cường năng lực cơ quan quản lý cạnh tranh, và khuyến khích cạnh tranh giữa các nền tảng số nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo.
Theo Nhandan
Ý kiến ()