Hơn hai triệu thí sinh cả nước bắt đầu bước vào kỳ thi đại học, cao đẳng
– Ngày hôm nay 3-7, các hội đồng tuyển sinh phổ biến quy chế thi, hướng dẫn thí sinh đến phòng thi, bổ sung, điều chỉnh những sai sót về thông tin đăng ký.
Dù chưa phải ngày thi nhưng ngay từ sáng sớm đã có thể cảm nhận được những sự khác biệt: Đường phố đông đúc hơn hẳn, phụ huynh đưa con em đứng, ngồi chờ la liệt ở các cổng trường…
Những vị đi ô-tô thì gửi xe rồi ngồi chờ ở quán nước.
Như thường lệ, đợt đầu tiên của kỳ thi đại học (ĐH) năm nay diễn ra trong hai ngày 4 và 5-7, giờ tập trung buổi sáng là 6 giờ 30 phút và buổi chiều là 13 giờ 30 phút, thời gian phát đề chính thức là từ 7 giờ đến 7 giờ 15 phút sáng và 14 giờ đến 14 giờ 15 phút chiều.
Theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, cả nước có 2.031.903 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó ở Hà Nội có khoảng trên dưới 300 nghìn trường hợp.
Ngày hôm nay 3-7, các hội đồng tuyển sinh phổ biến quy chế thi, hướng dẫn thí sinh đến phòng thi, bổ sung, điều chỉnh những sai sót về thông tin đăng ký.
Theo ghi nhận của phóng viên NDĐT, từ sáng sớm, các trục đường chính đã có sự thay đổi rõ rệt về lưu lượng người tham gia giao thông, nhất là tại những khu vực gần các địa điểm thi.
Ùn tắc cục bộ, xe ô-tô xếp hàng dài trên đường Chùa Láng.
Điển hình là khu vực Nguyễn Chí Thanh – Chùa Láng với nhiều trường ĐH lớn như ĐH Luật Hà Nội, ĐH Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam… Với “mật độ” tập trung “dày” như vậy, nút giao thông khu vực này đã trở thành một trong những “điểm nóng” cục bộ.
Phụ huynh tham gia “chiến đấu”
Một “điểm nóng” khác trong ngày này là sự xuất hiện của hàng chục chiếc xe máy đỗ thành hàng tại vỉa hè, lòng đường, lối ra vào của các địa điểm thi. Chủ những phương tiện lấn chiếm không gian công cộng này, không ai khác, là các vị phụ huynh muốn đưa con em tới nơi “cho yên tâm”.
Phụ huynh chờ con em trước cổng Học viện Hành chính Quốc gia.
Phỏng vấn nhanh chị Đinh Bảo Hạnh, mẹ của một thí sinh tới tập trung tại Học viện Hành chính Quốc gia, chúng tôi được biết, hai vợ chồng chị phải luân phiên nghỉ làm để đưa đón con trong kỳ thi này. Không chỉ vậy, cuộc sống gia đình chị cũng có những thay đổi: con gái nhỏ mới học lớp năm được bố mẹ “cho tạm lánh sang bà ngoại”; bữa cơm bình thường cũng phải “chú ý dinh dưỡng hơn cho con, đặc biệt là ăn nhiều đậu”, chị hóm hỉnh.
Chị cho biết, nhằm đề phòng ùn tắc giao thông, chị và chồng đã phải “nghiên cứu” kỹ đường đi tới nơi con thi, canh giờ đi sớm…
Chị Thu Hằng, sinh viên tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, đưa em trai đi tập trung, kể lại: “Năm trước, từ đầu tháng sáu, em đã tự cắt hoàn toàn liên lạc điện thoại, trang cá nhân, mạng xã hội… để tránh cám dỗ, tập trung thi. Gia đình em ý thức rất cao về việc này nên năm nay em trai em cũng vậy. Nếu cần liên lạc, em trai em chỉ mua sim rác, nhắn tin gọi điện cần thiết rồi lại tắt máy ngay”.
Sinh viên tình nguyện phân luồng trước cửa ĐH Ngoại thương…
Chị nói thêm: “Hồi đi thi toán, trên đường đi, em có mở tài liệu ra ôn lại trên xe, ai ngờ cái bút chì lạc đâu mất. Hớt hải chạy từ phòng thi xuống đường mua bút chì, thì may quá, bố mẹ vẫn đang chờ ở đó”.
Cũng về vấn đề “nghỉ luân phiên đưa con đi thi”, chị cho hay, đối với những học sinh tham gia thi cả hai khối A và D, bố mẹ “thường phải nghỉ cả tuần”. Khi được hỏi lý do, chị cười: “Anh nghĩ xem, con đi thi, liệu có yên tâm làm việc cả tuần được không?”
Thoải mái tự tin để làm bài tốt
Trái ngược với sự thấp thỏm lo âu của các vị phụ huynh, nhiều “sĩ tử” tỏ ra khá tự tin trước kỳ thi này. Theo ghi nhận của phóng viên NDĐT tại một điểm thi khu vực Trung Hòa – Nhân Chính, phần lớn thí sinh đã chuẩn bị tâm lý vững vàng cho lần “vượt vũ môn”.
… hay tại Trường tiểu học Cát Linh.
Em Phạm Thị Tân, học sinh Trường THPT chuyên Thái Bình, thi vào ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Kinh tế Quốc dân là một trong những trường hợp này. Từ Thái Bình lên trọ ở Hà Nội từ ngày 1-7, cô bé hồn nhiên chia sẻ: “Em cảm giác rất thoải mái và chẳng thấy lo lắng gì hết ạ”.
Cũng là một thí sinh đến từ Thái Bình, khi được hỏi về tâm trạng trước khi thi, em Nguyễn Thanh Tùng tự nhận xét: “Từ trước tới nay, em chưa bao giờ lo lắng trước mỗi kỳ thi, vậy nên lần này chắc cũng thế thôi ạ”. Lần đầu tiên đi thi đại học, với quá trình ôn thi “cũng bình thường như các bạn khác”, em cho biết mình “hoàn toàn không hồi hộp”.
Không chỉ các “sĩ tử” mới thi lần đầu mới có tâm trạng như vậy. Nguyễn Hoàng An, sinh viên năm nhất ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho hay, mặc dù rất quyết tâm thi lại vào ngôi trường “mơ ước” là Học viện Quân y, nhưng năm nay An cũng “không thấy hồi hộp hay lo lắng gì hết”. Cậu sinh viên trẻ cho rằng, “thi thì thi cho thoải mái, chứ lo nghĩ nhiều thì làm sao thi tốt được”.
“Dịch vụ quà sáng vỉa hè” mọc lên nhanh chóng.
Ý kiến ()