Hồn cốt, tinh thần và tình yêu với trà Việt 'còn mãi với thời gian'
Đạo trà Việt truyền thống không mang vẻ cầu kỳ như trà đạo của Nhật, phức tạp như nghệ thuật trà đạo của Trung Quốc và cũng không thực dụng như trà phương Tây, mà giản dị, đơn sơ nhưng thanh tao.
Chén trà mở đầu cho rất nhiều câu chuyện và ấm trà vẫn là cơ hội gắn kết gia đình, bạn bè.
Đặc biệt, trong những ngày Tết, một ấm trà thơm ngon dường như làm cho mọi người gần nhau hơn, ấm áp hơn trong tiết trời se lạnh và làm cho những câu chuyện tâm sự thêm ý nghĩa hơn.
Đạo trà Việt truyền thống không mang vẻ cầu kỳ như trà đạo của Nhật Bản hay phức tạp như nghệ thuật trà đạo của Trung Quốc và cũng không thực dụng như trà phương Tây, mà giản dị, đơn sơ nhưng vô cùng thanh tao.
Vào những ngày Xuân năm mới, pha một ấm trà nóng, hương vị trà Việt dường như để giao hòa với trời đất, gần gũi hơn với thiên nhiên, khiến cho mọi lo toan thường nhật dường như tan biến, chỉ còn lại sự bình yên và thanh tịnh.
Ngày trước, cứ vào dịp gần Tết, các nghệ nhân, những bậc cao niên đất Hà Thành lại dày công ướp trà theo cách truyền thống và có một sự ưu tiên đặc biệt đối với trà ướp hoa sen.
Mà trong đó, dòng trà ướp hoa sen Hồ Tây vẫn được ví như “báu vật” của người Hà Nội bởi sự cầu kỳ trong các công đoạn.
Trà để ướp hoa sen phải là loại trà Tuyết Shan cổ thụ vùng mạn ngược Hà Giang mọc tự nhiên trên những dãy núi cao từ 800-1.300m quanh năm sương mù.
Các nghệ nhân chọn lựa những búp trà non, những lá trà bánh tẻ, rồi rửa sạch, cho vào chõ đồ chín.
Sau khi phơi khô, họ cho trà vào chum (vại), trên phủ một lớp lá chuối khô, ủ từ 3-4 năm cho trà phong hóa bớt chất chát, có độ xốp như giấy bản mà hương vị đặc trưng của trà vẫn lưu giữ được nguyên vẹn.
Tiếp đến, ướp và sấy trà là cả một nghệ thuật. Để ướp một cân trà phải cần dùng từ 1.000-1.200 bông sen.
Khi ướp trà, các nghệ nhân thường trải đan xen một lớp trà rồi đến một lớp gạo sen mỏng, sau cùng phủ một lớp giấy bản.
Thời gian ướp tùy thuộc vào độ ẩm của gạo sen nhiều hay ít, trung bình kéo dài từ 18-24 giờ. Sau đó, người ta đem sàng để loại bỏ hết gạo sen. Nhưng để có sản phẩm chè hảo hạng, người nghệ nhân phải tiếp tục ướp thêm lần thứ hai, thứ ba, thứ tư và thậm chí là thứ năm.
Cuối cùng là bước thưởng trà với nhiều loại trà cụ (dụng cụ uống trà) cần thiết để làm sao cho người uống cũng có thể cảm nhận được hết hương vị đặc trưng của trà ướp sen.
Ngày xưa, các “chân trà nhân” rất chú tâm đến điều này và mỗi bước nhỏ trong việc thưởng trà đều được định danh bằng những tên gọi riêng: “ngọc diệp hồi cung” (thao tác dùng thìa gỗ múc trà vào ấm) “cao sơn trường thủy” (tráng trà), “hạ sơn nhập thủy” (lần đổ nước thứ hai vào trà) “tam long giá ngọc” (dâng trà) và “du sơn lâm thủy” (ngửi hương và uống trà).
Mỗi bước đều đòi hỏi sự khéo léo, uyển chuyển. Khi rót trà phải chuyên đều các chén, đảm bảo sao cho nồng độ trà đều như nhau…
Thưởng trà không đơn thuần chỉ là thỏa mãn nhu cầu uống mà nó còn là một trong những nét đẹp truyền thống trong ngày Tết, một nét văn hóa đẹp của người Việt được truyền nối bao đời nay.
Trải qua bao năm tháng, ngày nay, thưởng trà theo nếp sống hiện đại cũng có nhiều thay đổi, không quá cầu kỳ, chi tiết với nhiều nguyên tắc, nghi lễ nhưng cái hồn cốt, cái tinh thần và tình yêu đối với trà vẫn không thay đổi.
Chén trà vẫn mở đầu cho rất nhiều câu chuyện và ấm trà vẫn là cơ hội gắn kết gia đình, bạn bè. Đặc biệt, trong những ngày Tết, một ấm trà thơm ngon dường như làm cho mọi người gần nhau hơn, ấm áp hơn trong tiết trời se lạnh của ngày Tết, làm cho những câu chuyện tâm sự thêm ý nghĩa hơn.
Và chưa bao giờ, thế giới trà lại phong phú, sống động như thời nay, từ nguyên liệu, hương vị đến hình thức, kiểu dáng mà mỗi loại, mỗi vị đều có sức hút riêng.
Người thưởng thức có rất nhiều sự lựa chọn: trà hoa sen, trà hoa nhài, trà hoa cúc, trà cung đình, long nhãn hồng táo trà… Và chúng được pha chế theo nhiều cách khác nhau để phù hợp và theo kịp với cuộc sống hiện đại: hồng trà nóng, hồng trà đá, hồng trà sữa…
Bên cạnh đó, các loại trà thảo mộc cũng khá phổ biến với các vị cơ bản là ngọt, cay, đắng, chát.
Không chỉ phong phú, đa dạng các thể loại trà, ngày nay không gian thưởng trà-uống trà cũng trở nên phong phú hơn, thoải mái hơn.
Nơi thưởng trà có thể là không gian riêng tư tại nhà, cũng có thể ở một góc quán…
Chén trà có thể vẫn thanh khiết hương sen đậm chất truyền thống, cũng có thể là ly trà nhúng hiện đại với hương trái cây độc đáo. Như một luồng gió mới của cuộc sống hiện đại thổi vào thế giới trà, gói trà nhúng là sự kết hợp hài giữa quá khứ và hiện tại, giữa nhanh và chậm, giữa động và tĩnh, giữa nóng và lạnh…
Trà đã đi vào tâm hồn người Việt một cách tự nhiên, tĩnh lặng. Dẫu có những thay đổi, dẫu có nhiều thức uống công nghiệp phổ biến nhưng uống trà sẽ vẫn là một nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Xuân về, uống chén trà ngon, tỏa hương thơm ngát để chúc nhau năm mới an khang, thịnh vượng, tận hưởng một mùa Xuân thanh bình, tươi đẹp và hạnh phúc là một điều vô cùng thú vị và tao nhã./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()