Hơn 94.000 tỷ đồng đầu tư cho năng lượng sạch ở Bình Thuận
Trong thời gian tới, có khoảng 20 dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí của nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ được triển khai tại Bình Thuận, với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 94.000 tỷ đồng |
Khi thế giới đang đối mặt với những thách thức về “cạn kiệt” nguồn năng lượng, thì sử dụng năng lượng tái tạo là hướng đi mới mà nhiều quốc gia phát triển đang hướng tới.
Ông Hiroshi Kubota, Giám đốc Điều hành kinh doanh quốc tế, Công ty Dịch vụ điện lực Tokyo Nhật Bản (TEPSCO), một chuyên gia trong ngành điện cho biết, Bình Thuận với những điều kiện tự nhiên về nắng và gió rất thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo là điện mặt trời và điện gió. Vì vậy, đây là địa điểm được nhiều nhà đầu tư quan tâm và mong muốn đầu tư.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cơ cấu thu hút đầu tư của tỉnh đang chuyển đổi rõ nét theo hướng khuyến khích phát triển năng lượng sạch, nhất là năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời và năng lượng gió). Đây là một trong 3 trụ cột trong định hướng phát triển của tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án đã và đang triển khai cũng như đi vào hoạt động. Với nguồn tài nguyên gió dồi dào, Bình Thuận đang thu hút nhiều dự án đầu tư phong điện. Hiện tại, tỉnh có 19 dự án đăng ký đầu tư với tổng công suất đăng ký khoảng 1.200 MW; có 3 dự án đi vào hoạt động với tổng công suất 60 MW. Theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện đạt 2.500 MW.
Về điện mặt trời, tỉnh Bình Thuận có nhiều lợi thế để phát triển năng lượng mặt trời nhờ số giờ nắng cao, bức xạ nhiệt ổn định, ít mưa. Theo quy hoạch, đến năm 2030 tỉnh có thể thu hút đầu tư phát triển các dự án nhà máy nặng lượng mặt trời tổng công suất trên 3.819 MW.
Mặc dù có tiềm năng rất lớn, song theo nhận định của các chuyên gia và nhà đầu tư, điểm “nghẽn” về thu hút đầu tư trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời của Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung chính là quy định về mức giá.
Để giải quyết vướng mắc này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam với mức giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (tương đương 9,35 cent/kWh). Vì thế, từ khi công bố mức giá này, nhiều nhà đầu tư đã coi Bình Thuận là điểm đến hấp dẫn đầu tư điện mặt trời.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vừa diễn ra, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định và tiếp nhận cam kết đầu tư của hơn 30 doanh nghiệp trong và ngoài nước vào các lĩnh vực tiềm năng như năng lượng sạch, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Ước tính tổng vốn đăng ký ban đầu hơn 126.000 tỷ đồng.
Trong đó, số lượng dự án tập trung vào lĩnh vực năng lượng (điện mặt trời, điện gió và điện khí) chiếm áp đảo với tổng số vốn đầu tư dự kiến hơn 94.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại huyện Tuy Phong, Bắc Bình và Hàm Tân.
Nổi bật trong số này là dự án nhà máy điện mặt trời của Tập đoàn Điện lực Việt Nam với tổng vốn đầu tư 5.600 tỷ đồng, dự án nhà máy điện khí Sơn Mỹ 1 của liên doanh nhà đầu tư Pháp-Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 49.500 tỷ đồng (tương đương 2,2 tỷ USD)…
Ý kiến ()