Hơn 93,4 triệu ca nhiễm Covid-19 đã hồi phục
Theo số liệu trang Worldometers.info, tính đến 9 giờ ngày 9-3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 117,74 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 93,41 triệu ca đã hồi phục và 2.611.722 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận gần 300 nghìn ca nhiễm Covid-19, số ca tử vong ở mức hơn 6.400 ca.
Theo quốc gia, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu về số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới với hơn 29,74 triệu ca nhiễm. Trong vòng 24 giờ đất nước thuộc châu Mỹ này ghi nhận hơn 45 nghìn ca nhiễm và 788 ca tử vong.
Ấn Độ và Brazil đứng thứ 2 và 3 với số ca nhiễm lần lượt là hơn 11,24 triệu ca nhiễm và hơn 11,05 triệu ca nhiễm. Đứng thứ 4 và 5 về số ca mắc Covid-19 là Nga và Anh với số ca nhiễm ghi nhận lần lượt ở mức hơn 4,33 triệu ca nhiễm và hơn 4,22 triệu ca nhiễm.
Theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 35,22 triệu ca mắc và 837.662 ca đã tử vong. Tiếp đến là Bắc Mỹ với hơn 34,15 triệu người mắc Covid-19, trong đó có 778.468 ca đã tử vong. Xếp thứ 3 là châu Á với hơn 25,62 triệu ca nhiễm và 405.011 ca tử vong
Còn tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia vẫn dẫn đầu về tổng số ca nhiễm Covid-19. Theo Worldometers.info tính đến 9 giờ (giờ Việt Nam) cùng ngày, quốc gia này ghi nhận gần 6.900 ca nhiễm mới đưa tổng số ca nhiễm lên hơn 1,38 triệu ca. Tiếp đến là Philippines với tổng số ca nhiễm ghi nhận là 597.736 ca.
Theo TTXVN, số liệu của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 8-3 ghi nhận 31 triệu người Mỹ đã được tiêm vaccine của một trong hai hãng Pfizer và Moderna.
Cũng theo dự báo, số người Mỹ được chủng trong thời gian tới sẽ tăng rất nhanh với sự góp mặt của vaccine Johnson & Johnson.
Tính tới thời điểm này, số người Mỹ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 là khoảng 28 triệu người.
Trao đổi với Newsweek, Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc gia về dị ứng và các bệnh truyền nhiễm của Mỹ khuyến cáo rằng dù đã đạt được thành tựu như vậy nhưng đây chưa phải là lúc nước Mỹ có thể nới lỏng các biện pháp phòng ngừa cộng đồng bởi giữ được số ca nhiễm ở mức thấp sẽ là mấu chốt giúp người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Các loại vaccine hiện nay có thể bảo vệ con người tránh được tình trạng bệnh nặng khi nhiễm Covid-19 đồng thời hạn chế lây lan virus cho người khác mà chưa được tiêm phòng.
Tuy nhiên, giới khoa học cũng chưa thể biết rõ mức độ gây lây nhiễm virus của những người đã được tiêm sẽ như thế nào cho nên vẫn khuyến cáo những người đã tiêm vaccine cũng không nên quá thoải mái tham gia các cuộc tụ họp đông người.
Cũng theo TTXVN, ngày 8-3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận tổ chức này đã “báo động ở mức cao nhất” để kêu gọi hành động từ tất các nước trên thế giới ngay từ đầu năm 2020.
Trong một cuộc họp báo ngắn ngày 8-3, khi được hỏi liệu WHO lẽ ra nên dùng từ “đại dịch” sớm hơn hay không, bà Maria Van Kerkhove, Phụ trách kỹ thuật của WHO trong vấn đề dịch Covid-19, nói rằng WHO đã ra thông báo “Một vấn đề y tế công khẩn cấp gây lo ngại quốc tế” ngay từ ngày 30-1-2020.
Bà Maria cho rằng thông báo trên thực chất là sự báo động mức cao nhất, hay “mức độ cao nhất mà WHO có thể thực hiện theo luật quốc tế.”
Cũng tại cuộc họp báo, ông Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình các vấn đề y tế khẩn cấp của WHO, nói rằng mức độ hành động cũng là “cao nhất có thể” theo thỏa thuận chung giữa các nước thành viên WHO.
Ông cũng cho biết thêm rằng có một thỏa thuận pháp lý chính thức giữa 194 nước thành viên WHO, được nhất trí năm 2005, rằng các nước có thể thỏa thuận với nhau thế nào là mức độ báo động cao nhất về các vấn đề y tế khẩn cấp để đưa ra hành động tập thể ứng phó với đại dịch.
Ý kiến ()