Hơn 90% số người dùng điện thoại bị làm phiền ?
Tại Việt Nam, cơ sở dữ liệu chứa hàng triệu thông tin cá nhân đang được rao bán công khai trên mạng. Hầu hết các đối tượng mua để phát tán tin nhắn quảng cáo, lừa đảo, mời sử dụng dịch vụ…Chính sự buông lỏng trong quản lý thông tin thuê bao, đại lý sim, đơn vị kinh doanh đầu số và chưa có một chế tài đủ mạnh khiến tình trạng tin nhắn rác bùng phát như hiện nay.
Vấn nạn tin nhắn rác, lừa đảo đã và đang làm “đau đầu” các nhà mạng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đã có nhiều giải pháp từ phía các nhà mạng như chặn bằng từ khóa, theo tần suất…nhưng hầu hết chỉ là giải pháp tình thế. Đến cuối năm 2014, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) ban hành Chỉ thị 82/CT-BTTTT, yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn tin nhắn rác, lừa đảo và để tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Trong thời gian đầu triển khai, các nhà mạng đã chặn được gần một triệu thuê bao, tạm ngừng cung cấp dịch vụ hơn 400 đầu số phát tán tin nhắn rác. Nhưng gần đây, theo đánh giá từ Công ty BKAV, tình trạng tin nhắn rác, lừa đảo đang bùng phát trở lại, có đến hơn 90% số người dùng điện thoại thường xuyên bị làm phiền bởi các tin nhắn quảng cáo, lừa đảo, gọi điện tư vấn dịch vụ, nháy máy gọi lại bị mất tiền… Nhiều người khi dùng điện thoại thông minh vào mạng, vô tình bấm vào các quảng cáo bị trừ tiền, tự động cài dịch vụ, mã độc… Không ít người trở thành nạn nhân của những vụ “móc túi”, bị trừ tiền sử dụng các dịch vụ mà không hiểu lý do.
Theo Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Công ty BKAV Ngô Tuấn Anh, với sự phát triển của In-tơ-nét như hiện nay, hầu hết người dân đều sử dụng các giao dịch trực tuyến, thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, các ứng dụng nhắn tin miễn phí trên điện thoại, mạng xã hội, đăng ký nhận quà khuyến mại…Để sử dụng những dịch vụ nói trên, người dùng buộc phải khai báo thông tin khi đăng ký và vô tình trở thành “nguồn” cơ sở dữ liệu lớn về thông tin cá nhân bị thu thập, từ đó bị kẻ xấu mua, bán hay sử dụng vào nhiều mục đích. Do đó, việc tin nhắn rác đang hoành hành như hiện nay, một phần do người dùng để mất thông tin cá nhân trên mạng. Mặt khác, các doanh nghiệp khi thực hiện hình thức quảng cáo qua tin nhắn rác sẽ mang lại hiệu quả cao hơn hình thức thông thường, chi phí thực hiện thấp hơn rất nhiều. Một nguyên nhân khác đến từ các công ty cung cấp dịch vụ nội dung số có hợp đồng với các nhà mạng, thực hiện phát tán tin nhắn rác, lừa đảo, dụ dỗ người dùng nhắn tin vào đầu số của mình để thu lợi. Giữa các nhà mạng và các công ty cung cấp dịch vụ nội dung số mặc dù có tỷ lệ ăn chia, nhưng vẫn bị ép về doanh số, cho nên có những ngày lượng tin rác phát đi từ mỗi công ty lên đến hàng chục nghìn tin để quảng bá dịch vụ, thu hút, lôi kéo người dùng sử dụng dịch vụ. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT và TT Nguyễn Bắc Son cho rằng, các nhà mạng chưa nghiêm túc thực hiện việc đăng ký thông tin thuê bao trả trước, kiểm tra tính xác thực thông tin còn lỏng lẻo. Mặc dù Bộ TT và TT đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra và đã xử phạt nhiều trường hợp nhưng thực tế mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Theo nhận định của các chuyên gia, để nảy sinh tình trạng tin nhắn rác, nguyên nhân chính là vì lợi ích kinh tế. Tin nhắn rác đã mang lại một khoản lợi nhuận đáng kể cho các nhà mạng cho nên họ không xử lý mạnh tay. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc đăng ký thông tin sim chính chủ trả trước vẫn bị các nhà mạng lờ đi, hình thành một thị trường sim rác để các đối tượng sử dụng vào mục đích khác nhau. Trong đó có cả mục đích lừa đảo, tống tiền, gây khó khăn cho công tác điều tra, phá án, làm mất trật tự, an ninh trong xã hội. Với vai trò là đầu mối tập trung tất cả các tin nhắn trước khi chuyển đến cho người sử dụng, nhà mạng hoàn toàn có thể áp dụng được các biện pháp kỹ thuật, chế tài xử phạt để ngăn chặn được tin nhắn rác.
Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Công ty BKAV Ngô Tuấn Anh cho rằng, hiện nay các đối tượng liên tục thay đổi phương thức hoạt động, cập nhật các thủ thuật để phát tán tin nhắn cho nên việc ngăn chặn vẫn gặp nhiều khó khăn. Để bảo đảm an toàn thông tin cá nhân, trước hết người dùng cần tự trang bị cho mình kiến thức để hạn chế mất thông tin; hạn chế chia sẻ, khai báo thông tin tại các dịch vụ, nơi công cộng; cài đặt phần mềm chặn tin nhắn rác trên điện thoại. Nhưng về cơ bản vẫn cần chế tài xử phạt đủ sức răn đe, một hành lang pháp lý về an toàn thông tin đầy đủ để các bên thực thi.
Hiện tại, dự thảo Luật An toàn thông tin mạng đã có chương về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, nhưng theo chúng tôi còn thiếu nội dung về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và quyền của người dùng. Vẫn chưa có quy định về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc thu thập thông tin người khác, mua, bán, phát tán thông tin chưa được phép. Ngoài ra, cần bổ sung các chế tài xử phạt mạnh để ngăn chặn được các hành vi sử dụng thông tin cá nhân của người dân. Có như vậy mới bảo đảm được một môi trường mạng an toàn cho người dùng, tránh những thiệt hại đối với người dân và xã hội.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()